Tiếng Việt | English

17/06/2024 - 11:41

Cảnh giác với hàng gian, hàng giả trên sàn thương mại điện tử

Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) tại nước ta phát triển mạnh mẽ, trở thành một kênh mua sắm phổ biến của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của các sàn TMĐT, vấn đề hàng gian, hàng giả cũng trở nên phổ biến. Do đó, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ quyền lợi và tài sản của mình.

Người tiêu dùng phản ánh thông tin bị lừa đảo khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử

Các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki,... và nhiều nền tảng khác như Facebook, TikTok,... đã trở thành điểm mua sắm ưa thích của rất nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các nền tảng này còn nhiều bất cập. Hàng giả, hàng nhái dễ dàng được đưa lên sàn, lợi dụng lòng tin của người mua để kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng.

Chị Trần Thị Thanh Lan (phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An) cho biết: “Do công việc bận rộn, tôi có thói quen mua hàng trên các trang TMĐT, từ đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm đến thực phẩm,... Mua hàng trực tuyến tiện lợi vì có người giao tận nhà, đỡ tốn công đi lại. Tuy nhiên, bất lợi của việc mua sản phẩm trực tuyến là rất khó kiểm tra, phân biệt hàng thật, hàng giả; có nơi cũng không cho kiểm hàng trước khi nhận hoặc đôi khi bị lộ thông tin trong quá trình chốt đơn, cửa hàng mình đặt chưa kịp gửi thì bên lừa đảo đã nhanh chóng chuyển hàng giả trước. Khi đó, khách hàng lại nhận phải sản phẩm giả mạo”.

Mua phải hàng gian, hàng giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng. Đối với các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm, việc sử dụng sản phẩm giả có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chân chính cũng chịu thiệt hại khi thương hiệu, uy tín bị ảnh hưởng và lòng tin của khách hàng bị suy giảm.

Anh V.V.K. (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) cho biết: “Cuối năm ngoái, tôi đặt mua nồi lẩu điện của một hãng có thương hiệu trên trang TMĐT và 2 ngày sau thì có người đến giao hàng. Tôi chủ quan không kiểm tra lại, khi khui hàng ra mới biết không phải sản phẩm mình đặt mà là một máy sấy tóc bị hư, không thể sử dụng. Khi tôi điện thoại đường dây nóng của cửa hàng thì số điện thoại không liên lạc được. Từ đó, tôi cũng cảnh giác hơn khi mua sắm trực tuyến”.

Để tránh nguy cơ bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng nên chọn những sàn TMĐT uy tín, xem xét kỹ thông tin như mô tả sản phẩm, thông số kỹ thuật, chính sách bảo hành và đổi trả cũng như hình ảnh thực tế của sản phẩm (nếu có), tham khảo ý kiến đánh giá và nhận xét từ người mua trước đó cũng như lưu ý những phản hồi, đánh giá tiêu cực về sản phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng cần kiểm tra thông tin về nhà bán hàng và số lượng các giao dịch đã hoàn thành, ưu tiên mua từ những cửa hàng có tỷ lệ phản hồi tích cực cao.

Khách hàng cũng tránh giao dịch ngoài hệ thống của sàn TMĐT để đề phòng nguy cơ bị lừa đảo; sử dụng tính năng thanh toán khi nhận hàng (COD) và chọn những cửa hàng cho phép kiểm hàng trước khi nhận; đồng thời, cẩn thận với các sản phẩm có giá rẻ bất thường vì có thể là hàng giả hoặc lừa đảo. Ngoài ra, khách hàng cũng cần sử dụng chức năng theo dõi đơn hàng để kiểm tra quá trình vận chuyển và lưu giữ hóa đơn, biên lai, các thông tin liên quan đến giao dịch để có thể đối chứng nếu cần.

 

24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam hiện nay 

Lừa đảo trực tuyến là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Trong thời đại số hóa, mua sắm trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Tuy nhiên, để tránh mua phải hàng gian, hàng giả, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức cảnh giác và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Đồng thời, các sàn TMĐT cũng cần phải thực hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, từ đó xây dựng một môi trường mua sắm an toàn và đáng tin cậy./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết