Tiếng Việt | English

27/09/2021 - 09:26

Cảnh giác với chiêu trò của 'thần y, thần dược' trên mạng xã hội

Mạng xã hội (MXH) khá hấp dẫn bởi các phim ảnh, video, clip được cả thế giới chia sẻ để mọi người xem một cách thỏa thích, miễn phí và tiện lợi. Điều đáng nói, các clip này phần lớn đều kèm quảng cáo, nhất là “Nhà tôi ba đời chữa xương khớp, bà con ai không khỏi cứ gọi cho tôi...”, “Nhà tôi ba đời chữa bệnh viêm xoang...” xuất hiện thường xuyên, liên tục khiến nhiều người sập bẫy lừa đảo “thần y, thần dược” trên MXH.

Cắt ghép logo, chèn tiếng phát thanh viên của chương trình Quân y và đời sống kênh Quốc phòng Việt Nam để quảng cáo “thần y, thần dược”

Thử xem qua các nội dung quảng cáo “nhà tôi ba đời...”, phần lớn được dàn dựng, sản xuất bởi các nhà quảng cáo chuyên nghiệp, hết sức thuyết phục, có sự giao lưu của bác sĩ (giả), bệnh nhân (giả) về hiệu quả của “thần dược, thần y”. Tinh vi hơn là các quảng cáo này nhân danh một tổ chức, nghiệp đoàn, giới thiệu một sản phẩm thuốc gia truyền để cổ động, phổ biến vì mục đích phi thương mại, phi lợi nhuận như bảo vệ nguồn gen quý hiếm của một loại thuốc Nam, bảo vệ nền y học cổ truyền dân tộc hay bảo vệ môi trường, tài nguyên, bảo vệ lợi ích công cộng,...

Lợi dụng công nghệ thời kỹ thuật số, các nhà quảng cáo còn cắt ghép logo, backdrop, chèn tiếng phát thanh viên của Đài Truyền hình Việt Nam, chương trình Quân y và đời sống kênh Quốc phòng Việt Nam để quảng cáo “thần y, thần dược”, khiến khán giả nhầm tưởng là chương trình của đài truyền hình Trung ương nên đặt trọn niềm tin vào sản phẩm của các “thần y, thần dược”.

Tâm lý chung của người bệnh “phước chủ may thầy” nên không ít nạn nhân của “thần y, thần dược” đã phải trả giá khi bị ngộ độc, tổn thương da toàn thân, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận cấp do dùng phải thuốc Đông y giả chủ yếu làm từ bột mì, bột sắn vo viên với đường.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Hà Nam khởi tố vụ án hình sự “sản xuất, buôn bán hàng giả”. Bán thuốc Đông y giả trên mạng, mỗi ngày thu lợi 200 triệu đồng do Nguyễn Thị Khánh Linh làm chủ. Đối tượng khai nhận đã mua nguyên liệu được bào chế sẵn trôi nổi ngoài thị trường, thuê người in bao bì, nhãn mác, đóng gói các sản phẩm, tổ chức quảng cáo bán hàng qua MXH. Trung bình mỗi ngày, các đối tượng bán từ 20-30 đơn hàng, thu về khoảng hơn 200 triệu đồng. Qua kết quả giám định, các loại sản phẩm trên đều là hàng giả, tổng giá trị lên đến hơn 1 tỉ đồng.

Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình, người dân nên cảnh giác với các loại thuốc gia truyền trên MXH, đừng để “tiền mất, tật mang”. Theo các chuyên gia y tế, thuốc Đông y trôi nổi dùng một số loại nguyên liệu không có tác dụng chữa bệnh, pha thêm một chút bột thuốc kháng sinh hay một số chất tân dược để đem lại hiệu quả nhanh chóng. Mới uống, người bệnh có cảm giác bệnh thuyên giảm ngay. Tuy nhiên, dùng lâu thì nguy hại cho sức khỏe, thậm chí có thể gây ra những tác dụng ngược, biến chứng rất nguy hiểm./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết