Tiếng Việt | English

26/02/2024 - 09:37

Cảnh giác thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Lợi dụng mạng xã hội phát triển rộng rãi ở Việt Nam, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá nước ta bằng nhiều thủ đoạn công khai, trực diện. Gần đây, một số phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn đưa ra luận điệu văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang bị người Kinh đồng hóa. Thủ đoạn này không mới nhưng lại rất nguy hiểm, bởi nó phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thủ đoạn nham hiểm, xảo trá

Bằng nhiều phương thức, các thế lực thù địch đang ra sức tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta dành cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chúng phủ nhận những thành tựu to lớn của Việt Nam trong thực hiện chính sách dân tộc, vu cáo Đảng và Nhà nước ta ép người đồng bào dân tộc thiểu số phải bỏ nhà, bỏ đất, bỏ văn hóa truyền thống để hòa nhập với người Kinh. Bằng giọng điệu xảo trá, chúng kích động rằng "người dân tộc thiểu số Việt Nam đang bị người Kinh đồng hóa; người Kinh đang chiếm đất, chiếm công việc, khiến người dân tộc thiểu số phải sống co cụm và càng ngày bị đồng hóa".

Lợi dụng các vụ việc mâu thuẫn nhỏ, lẻ, chúng suy diễn thành bản chất chế độ. Đặc biệt, sau vụ khủng bố ở tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023, trên nhiều kênh thông tin báo chí nước ngoài, các trang mạng hải ngoại, trang mạng cá nhân của các đối tượng chống đối đã tung ra thông tin sai sự thật, các hình ảnh được dàn dựng, cắt ghép,... Một số bài viết cố tình đánh tráo bản chất, kích động tâm lý kỳ thị dân tộc, gây chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.

Báo điện tử BBC tiếng Việt đăng bài Câu chuyện Tây Nguyên và người dân sắc tộc của núi rừng trong lòng tôi đã đưa nhiều thông tin sai sự thật, có các bình luận mang tính chụp mũ, suy diễn. Bài viết cố tình hướng lái sai mục đích, ý nghĩa của vấn đề di dân, phát triển kinh tế ở Tây Nguyên, từ đó quy chụp “không gian của các sắc tộc bị tan vỡ”! Người viết đưa ra những câu từ vừa trái bản chất, vừa mang tính kích động như “Sau biến cố ngày 30/4/1975, Tây Nguyên bước vào kỷ nguyên bị phá vỡ”.

Ngay cả từ "đồng bào” vốn thân thuộc, thiêng liêng với cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam cũng bị bẻ lệch ý nghĩa, chúng cho rằng “việc gọi các sắc tộc Tây Nguyên bằng từ “đồng bào” không che giấu được những toan tính chính trị, đây là cách áp đặt văn hóa và mị dân”.

Trên Đài Á châu tự do (RFA), Đài VOA tiếng Việt đưa nhiều bài viết đánh lừa người đọc dưới dạng người Thượng ở Tây Nguyên kể chuyện bằng những thủ đoạn đánh tráo bản chất dưới dạng hồi ức, kể lại, nhớ lại, tự bịa ra lời nói của những cá nhân không có thật, nhiều bài viết cố tình vẽ ra bức tranh với gam màu xám xịt ở Tây Nguyên, từ đó kích động, xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta.

Các bài viết với ngôn từ xảo trá để bóp méo bản chất vụ khủng bố ở Đắk Lắk thành vấn đề xung đột, mâu thuẫn trong các dân tộc ở Tây Nguyên; vu cáo người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên “không chịu được sự áp đảo hiện nay bởi sự thống trị của người Việt đến từ “đồng bằng””; xuyên tạc bản chất của vấn đề bằng chiêu bài “người Kinh áp bức người Thượng”, “người Kinh chiếm đất của người Thượng”;...

Rõ ràng đó là những luận điệu xảo trá, xuyên tạc thực tế tình hình Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Thành tựu về chính sách dân tộc của Việt Nam là không thể phủ nhận

Trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, từ truyền thống dân tộc Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Người cho rằng, các dân tộc đều bình đẳng, tôn trọng, cùng nhau phát triển. “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.

Kế thừa tư tưởng đó, trong tất cả văn kiện đại hội Đảng, nhất là thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn xác định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Quan điểm về sự bình đẳng giữa các dân tộc được thể hiện nhất quán trong Hiến pháp của Nhà nước ta. Điều 5 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định rõ: “1. Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam 2.

Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Trái với luận điệu của các thế lực thù địch là “các dân tộc thiểu số đang bị đồng hóa”, trên thực tế, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn vinh, từng bước được bảo tồn, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện, mức hưởng thụ văn hóa được nâng cao.

Các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Thánh địa Mỹ Sơn, Lễ hội Ka Tê của dân tộc Chăm, Cao nguyên đá Đồng Văn,... được bảo tồn, tôn vinh, được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đều có các chương trình bằng tiếng dân tộc phù hợp với từng vùng, miền. Cùng với đó, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số đều được tôn trọng.

Nhà nước có nhiều chính sách bảo tồn, sử dụng và phát triển ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số như quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn giáo trình dạy 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số; cả nước có hơn 30 tỉnh, hơn 600 trường tổ chức dạy, với hàng trăm ngàn học sinh theo học tiếng dân tộc.

Đặc biệt, hoạt động tính ngưỡng, tôn giáo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhìn chung ổn định, đúng pháp luật; quyền tự do tín ngưỡng được đảm bảo; đa số người dân tộc theo các tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, tuân thủ pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc khẳng định bản sắc của mình. Trong Quốc hội Việt Nam, có tới 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 18% số đại biểu Quốc hội (đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 15% tổng dân số). Điều này giúp chúng ta bảo đảm nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được lắng nghe. Đồng bào dân tộc thiểu số có thể tham gia vào mọi quyết định lớn của đất nước. Đó là những lý do để chúng ta có thể bác bỏ một cách dứt khoát các luận điệu xuyên tạc, chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị hiện nay.

Không gian mạng là môi trường lan tỏa nhanh và rất khó kiểm soát. Vì vậy, mỗi người khi tiếp cận các thông tin, cần phân tích, sàng lọc, tìm hiểu kỹ trước khi chia sẻ và bình luận. Nếu phát hiện những thông tin sai trái, xuyên tạc, cần thông báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết