Tiếng Việt | English

14/03/2023 - 09:12

Cảnh giác để không mắc bẫy 'tín dụng đen'

Thời gian qua, các tổ chức "tín dụng đen" tăng cường hoạt động, vươn “vòi bạch tuộc” tới từng ngõ ngách với thủ tục cho vay vô cùng đơn giản.

Tờ rơi quảng cáo vay vốn “tín dụng đen” rải đầy mọi ngóc ngách, từ thành thị đến nông thôn

Bẫy "tín dụng đen" rình rập khắp nơi

Nếu như trước đây, quảng cáo khoan cắt bêtông, bệnh trĩ, yếu sinh lý,... "ngự trị" trên bờ tường, cột điện thì nay quảng cáo vay vốn “tín dụng đen” phủ sóng khắp mọi nẻo đường với những lời mời chào hết sức hấp dẫn như “Hồ sơ đơn giản, không cần thế chấp, giải ngân nhanh chóng”, “Bạn đang cần tiền nhưng không biết vay ở đâu? Bạn đã nộp hồ sơ ở ngân hàng nhưng bị từ chối. Hãy yên tâm, chúng tôi sẽ giúp bạn”, “Giải ngân nhanh, lãi cạnh tranh”, “Giảm phí khỏi lo, chẳng cần đắn đo”. Kèm theo đó là những thủ tục hết sức đơn giản: “Không cần thế chấp, chỉ cần cà vẹt xe”, “Tải Snap hôm nay có ngay 50 triệu”.

Không chỉ vậy, "đội ngũ marketing" của các “ngân hàng cột điện” còn nhiệt tình gọi điện, nhắn tin mời chào khách hàng, thậm chí còn chạy quảng cáo qua các ứng dụng trên điện thoại di động để tiếp cận người vay. Giữa lúc đang khó khăn, trang trải tiền sinh hoạt mà lại thấy vay tiền quá dễ dàng nên rất nhiều người đã bị mắc bẫy.

Trả giá vì "tín dụng đen"

Có thể ví "tín dụng đen" như một cái bẫy. Đã có nhiều gia đình sau khi vay phải bán nhà, bán xe,... để trả nợ. Mặc dù bị triệt phá nhiều nhưng giống như "vòi bạch tuộc", "tín dụng đen" cứ cuốn chặt và vắt kiệt sức lực, tiền bạc của rất nhiều người. Khi “lãi mẹ đẻ lãi con” vượt quá mức chịu đựng, lại bị các đối tượng cho vay uy hiếp, nhiều người buộc phải nghỉ việc hoặc bỏ trốn. Hậu quả, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ xã hội mà nạn nhân lưu trong danh bạ điện thoại cũng bị khủng bố, đe dọa đòi nợ.

Nguy hiểm hơn là khi một số nạn nhân do tình thế “bức bách” và kém hiểu biết đã ký sẵn vào giấy tờ khống (sau này sẽ được phía cho vay hợp thức hóa thành các chứng từ gây bất lợi cho người vay). Không ít nạn nhân thiếu hiểu biết về pháp luật, để thế chấp vay nợ, họ bị lừa hợp thức bằng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất. Chưa kể, có người còn “mạnh dạn” làm hợp đồng ủy quyền cho bên "tín dụng đen" toàn quyền định đoạt tài sản nhà và đất, theo hình thức thế chấp tài sản mà không lường đến hậu quả xảy ra.

Tình trạng các nạn nhân sau khi vay vốn phải gồng mình trả nợ là hiện tượng phổ biến vì lãi suất cao. Trường hợp chậm trả hoặc không còn khả năng trả nợ thì "tín dụng đen" sẽ khủng bố nạn nhân bằng điện thoại; chúng sử dụng sim rác, gọi tới nạn nhân, người thân, đồng nghiệp liên tục; bôi nhọ danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội nhằm tạo sức ép từ nhiều phía, buộc người vay phải trả tiền. Cấp độ cao hơn nữa, chúng kéo tới nhà nạn nhân chửi bới, lăng mạ, đe dọa, đập phá đồ đạc, gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật,...

Làm gì với "tín dụng đen"

Tình trạng “tín dụng đen” thường nhắm đến đối tượng công nhân, người lao động, phụ nữ nghèo đơn thân đang một mình nuôi con nhỏ, người cần vốn làm ăn, buôn bán, từ đó gây ra biết bao bi kịch, đẩy nạn nhân rơi vào vực thẳm nợ nần chồng chất. Để tránh mắc bẫy "tín dụng đen", các cấp, các ngành cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và triển khai các biện pháp quyết liệt ngăn chặn. Về phía người dân, nếu có nhu cầu vay vốn, cần tìm hiểu thông tin về các gói vay từ những ngân hàng uy tín hoặc những công ty tài chính có bảo đảm từ Bộ Công Thương; tránh xa những quảng cáo vay vốn ưu đãi từ các thông báo, tờ rơi ngã tư hay cột điện. Cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để quản lý số điện thoại và mạng xã hội liên quan đến "tín dụng đen"; xử lý hành vi khủng bố trên nền tảng mạng xã hội, điện thoại,... để bảo vệ người dân.

Các ngân hàng uy tín cũng cần chủ động tiếp cận người dân để tuyên truyền; giúp người dân nắm được thông tin về các khoản vay với thủ tục đơn giản, thuận lợi nhất. Đặc biệt, cần đa dạng các loại hình cho vay, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đưa dịch vụ đến người dân, nhất là người có thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng, góp phần từng bước đẩy lùi tệ nạn "tín dụng đen"./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết