Tiếng Việt | English

07/03/2023 - 11:40

Cảnh giác bẫy lừa đảo 'chuyển nhầm tiền'

Thời gian gần đây, hàng loạt chiêu thức tinh vi nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng tiếp tục diễn biến phức tạp. Một trong số đó là chiêu thức “chuyển tiền nhầm” vào tài khoản cá nhân của bị hại để lừa đảo. Tình trạng này phổ biến đến nỗi hàng loạt ngân hàng phát đi cảnh báo để khách hàng cẩn trọng trong các giao dịch, tránh rơi vào bẫy lừa của các đối tượng xấu.

Nở rộ thủ đoạn “chuyển tiền nhầm” vào tài khoản cá nhân của bị hại để lừa đảo

Nỗi khổ khi “bỗng dưng có tiền”

Một ngày nào đó, tài khoản của bạn bỗng dưng nhận được một số tiền “trên trời rơi xuống”, bạn đừng vội mừng mà coi chừng dính “bẫy” lừa đảo. Bởi, thực chất các đối tượng không hề “chuyển tiền nhầm” mà họ cố tình chuyển cho bạn. Trước khi thực hiện “chuyển nhầm”, chúng đã nghiên cứu rất kỹ “con mồi”, rồi chuyển vào tài khoản cá nhân của bị hại một số tiền. Sau đó, chúng liên hệ, giới thiệu mình đang sống tại nước ngoài chuyển tiền về cho người thân trong nước nhưng “chuyển nhầm” và muốn được nhận lại số tiền đã chuyển khoản. Để trả lại số tiền, người nhận tiền “chuyển nhầm” được hướng dẫn sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Tuy nhiên, sau khi thực hiện theo hướng dẫn thì số tiền trong tài khoản của người nhận cũng bị "bốc hơi" sạch.

Một chiêu thức khác của các đối tượng lừa đảo là lập ra trang web mạo danh có giao diện giống với website của ngân hàng. Sau đó, chúng liên hệ với những trường hợp khách hàng nhận được tiền "chuyển khoản nhầm" (do chúng cố tình chuyển trước đó), đang có nhu cầu trả lại tiền cho người chuyển nhầm rồi đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố. Bị hại được “nhân viên ngân hàng” hướng dẫn kết nối với website của ngân hàng, gửi đường link đăng nhập vào trang web giả mạo để khai báo thông tin. Sau đó, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân và tiền trong tài khoản thật của khách hàng.

Trường hợp sau thì bị hại “bỗng dưng có tiền” và “bỗng dưng mắc nợ”, khi các đối tượng nhắm vào những người hay truy cập vào các dịch vụ vay tiền trên mạng. Sau khi có được một số thông tin cá nhân của người dùng như tên, tuổi, số điện thoại hay địa chỉ,... các đối tượng sẽ cố ý chuyển nhầm một khoản tiền đến tài khoản của người đang có ý định vay tiền nhưng chưa thực hiện. Sau đó, chúng giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ, dọa nạt và yêu cầu họ trả lại số tiền đã nhận như một khoản vay cùng với số lãi "cắt cổ", hoặc tìm mọi cách lấy thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân rồi chiếm đoạt tiền trong đó khiến nhiều khổ chủ lao đao khi “bỗng dưng có tiền”.

Làm gì khi “bỗng dưng có tiền”?

Khi “bỗng dưng có tiền”, chúng ta cần phải lưu ý rằng: Không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm, tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ 3 làm chứng. Nếu “bỗng dưng có tiền” có giá trị lớn thì cần trực tiếp đến chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh và chuyển trả; tuyệt đối không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập và mật khẩu truy cập vào tài khoản ngân hàng của mình cho các giao dịch trên mạng.

Cần chú ý quan sát địa chỉ của website lừa đảo vì chúng đều không có tên miền giống như tên miền website chính thức của ngân hàng. Để phân biệt được thật, giả, chúng ta cần lưu ý website của ngân hàng không bao giờ có tên miền bất thường và thường được đánh dấu an toàn bằng hình “ổ khóa” bên cạnh. Tài khoản mạng xã hội của ngân hàng gồm Facebook, TikTok luôn có dấu tick xanh bên phải, trong khi tài khoản Zalo có dấu tick cam. Khách hàng cũng có thể kiểm tra chính xác email, số hotline của ngân hàng thông qua truy cập website hoặc tài khoản mạng xã hội chính thức.

Các ngân hàng đều khẳng định tuyệt đối không gửi tin nhắn nào có gắn đường link yêu cầu khách hàng cung cấp hay nhập tên đăng nhập và mật khẩu Internet Banking, mã xác thực OTP,... Các tin nhắn giả mạo thường kèm đường link lạ không dẫn đến các địa chỉ chính thức của ngân hàng, do vậy khách hàng tuyệt đối không truy cập để tránh bị mất thông tin tài khoản, thiệt hại tài sản.

Để tránh bị kẻ gian lừa đảo, chúng ta cần nâng cao cảnh giác với các chiêu thức như cảnh báo trên; đồng thời, chủ động quản lý thông tin, sử dụng tài khoản, thẻ ngân hàng an toàn hơn bằng cách: Sử dụng ứng dụng xác thực qua tin nhắn SMS; cài đặt phương thức bảo mật 2 lớp trên ứng dụng (app); xác minh trực tiếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ như ngân hàng và công ty viễn thông; liên lạc trực tiếp và nhận thông tin qua các kênh chính thức của ngân hàng. Hơn hết, hãy tỉnh táo, luôn cân nhắc trước khi click vào bất kỳ link nào được gửi đến từ mạng xã hội./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết