Tiếng Việt | English

04/08/2020 - 20:10

Cảnh báo Đức, Anh, Pháp về làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai

Các chuyên gia y tế cảnh báo động thái nới lỏng các quy định giãn cách xã hội đang khiến virus SARS-CoV-2 lây lan trở lại trong cộng đồng.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mamming, miền Nam Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đức đang đương đầu với làn sóng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ hai và các nguy cơ từ việc không tuân thủ quy định giãn cách xã hội đang gây uổng phí thành công bước đầu của nước này.

Báo Augsburger Allgemeine ngày 4/8 đăng bài phỏng vấn bà Susanne Johna - Chủ tịch tổ chức Marburger Bund, đại diện cho các bác sỹ ở Đức, nêu rõ Đức đang ở giai đoạn làn sóng dịch bệnh thứ 2.

Bà Johna cảnh báo mong muốn của người dân về việc được trở lại cuộc sống bình thường và sức ép từ việc phải tuân thủ các biện pháp hạn chế sẽ khiến thành công mà giới chức Đức đạt được cho tới nay bị xóa sạch. Bởi vậy, bà hối thúc người dân tuân thủ quy định giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và thực hiện đầy đủ các biện pháp khử trùng.

Bà Johna cho biết thêm các bệnh viện trên toàn lãnh thổ Đức luôn trong tâm thế sẵn sàng và sẽ bố trí so le các giường chăm sóc đặc biệt dành cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Theo thống kế, hiện có gần 21.000 giường bệnh đặc biệt tại Đức, trong đó có 12.200 giường trống.

Tính đến ngày 2/8, có tổng cộng 270 bệnh nhân COVID-19 thuộc diện chăm sóc đặc biệt.

Nhờ thực hiện xét nghiệm trên quy mô lớn cùng hệ thống chăm sóc y tế tiên tiến và áp dụng hiệu quả quy định giãn cách xã hội, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cho tới nay vẫn vững vàng trước đại dịch COVID-19 với số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia láng giềng như Pháp và Italy.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, số ca mới mắc COVID-19 tại Đức đang có xu hướng tăng.

Các chuyên gia y tế cảnh báo động thái nới lỏng các quy định giãn cách xã hội đang khiến virus SARS-CoV-2 lây lan trở lại trong cộng đồng.

Theo thống kê của Viện Robert Koch (RKI) tính đến ngày 3/8, Đức ghi nhận thêm 879 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 211.281, trong đó có 9.156 ca tử vong.

Theo nghiên cứu đăng tải ngày 4/8, nước Anh sẽ đương đầu với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai với tốc độ lây lan cao gấp đôi trong mùa Đông năm nay so với thời điểm bắt đầu bùng phát dịch bệnh nếu mở cửa trở lại các trường học mà không triển khai hệ thống xét nghiệm và truy dấu hiệu quả hơn.

Nghiên cứu, do các chuyên gia tại Đại học College London cùng trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London thực hiện, mô phỏng tác động của việc mở cửa trở lại các trường học hoặc toàn thời gian hoặc bán thời gian để các bậc phụ huynh có thể đi làm lại đối với nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2.

Nếu tất cả các trường giảng dạy lại vào tháng 9/2020 nhưng không có chiến lược xét nghiệm-truy dấu-cách ly hiệu quả, hệ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 (R) sẽ tăng lên trên mức 1 và đỉnh điểm của làn sóng dịch bệnh thứ hai sẽ rơi vào khoảng tháng 12/2020 với số ca mắc bệnh cao gấp 2-2,3 lần so với làn sóng dịch ban đầu.

Theo các nhà nghiên cứu, có thể ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai nói trên nếu 75% những người có triệu chứng mắc COVID-19 được xét nghiệm và được phát hiện, đồng thời có thể truy dấu 68% số người từng tiếp xúc với những người này, hoặc 87% số người có triệu chứng được phát hiện và 40% những người tiếp xúc với họ được xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2.

Trưởng nhóm nghiên cứu Jasmina Panovska-Griffiths cho biết hệ thống xét nghiệm và truy dấu hiện nay tại Anh mới chỉ xác được khoảng 50% các trường hợp tiếp xúc với những ca bệnh COVID-19.

Cùng ngày, Ủy ban Khoa học Pháp cảnh báo "nhiều khả năng" làn sóng dịch COVID-19 thứ hai sẽ bùng phát vào mùa Thu hoặc mùa Đông năm nay do nước này ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gia tăng rõ rệt trong 2 tuần qua.

Trang chủ của Bộ Y tế Pháp đăng tải tuyên bố của Ủy ban trên nêu rõ tình hình tại Pháp hiện nằm trong tầm kiềm soát, nhưng số ca mắc COVID-19 đang tăng trở lại mùa Hè này.

Về ngắn hạn, dịch bệnh trong tương lai chủ yếu phụ thuộc vào chính ý thức phòng bệnh của người dân./.

Theo TTXVN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết