Tiếng Việt | English

10/09/2015 - 10:30

Cân nhắc khi làm móng dạo

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phái nữ. Trong xã hội phát triển, phụ nữ ngày càng chú ý đến việc làm cho bản thân trở nên đẹp hơn. Không chỉ là những bộ quần áo, mái tóc, cách trang điểm mà đến móng tay, móng chân cũng được chị em quan tâm. Do vậy, ở những tiệm cắt tóc thường có kiêm thêm dịch vụ làm “nail”. Ngoài những tiệm nail cố định này, tại TP.Tân An, tỉnh Long An còn có dịch vụ làm móng dạo.


Mỗi người nên trang bị một dụng cụ làm móng riêng và chọn lựa sơn có xuất xứ rõ ràng khi làm móng (ảnh minh họa)

Tiệm nail “di động”

Qua quan sát và tìm hiểu, phần lớn những người làm móng dạo là những người có hoàn cảnh khó khăn, họ ở quê lên TP.Tân An để tìm việc làm. Chị Nguyễn Thị Bích Trâm, ngụ thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ chia sẻ, chị lập gia đình ở TP.Tân An và có 1 con trai. Mấy năm trước, 2 vợ chồng cùng làm việc tại đại lý phân phối nước giải khát. Không may doanh nghiệp phá sản, vợ chồng chị thất nghiệp. Chị nộp hồ sơ xin làm công nhân nhưng nhiều công ty không nhận vì đã lớn tuổi. Những ngày ở nhà trọ không có việc làm, nhìn thấy một số người làm móng dạo, chị cũng tập tành làm theo.

Theo chị, việc làm móng không khó, chỉ cực ở giai đoạn vẽ móng, vì vậy, chỉ học trong thời gian ngắn, chị có thể làm thành thạo. Với số vốn bỏ ra chưa tới 1 triệu đồng, chị đã có một bộ đồ nghề để làm móng. Lúc đầu, do chưa quen nên chị có ít khách hàng. Sau này, mỗi ngày chị có khoảng 10 khách. Chỉ cần khách gọi điện cho địa chỉ, chị đến tận nhà hoặc bất cứ đâu khách yêu cầu. Tiền công làm 1 bộ móng từ 10.000-15.000 đồng, nếu vẽ móng sẽ tăng thêm tiền.

Không chỉ chị Trâm, một số người làm móng dạo đều cho rằng, nghề này phù hợp với họ. Họ không cần tốn nhiều chi phí đầu tư hoặc phải mướn mặt bằng mở tiệm, lại có thể chủ động thời gian để chăm sóc gia đình.
Bà Ngô Thị Hóa, chủ cửa hàng tạp hóa tại phường 4, TP.Tân An, một trong những khách hàng làm móng dạo nói: “Cả ngày tôi bận buôn bán nên không có thời gian ra tiệm để làm móng. Vì vậy, tôi thường gọi mối quen đến tận quán để làm. Tôi thấy giá cả cũng ổn, không phải chờ đợi lâu và cách làm của họ tôi cũng hài lòng”.

Lời khuyên từ bác sĩ

Tuy nhiên, theo quan sát, đồ nghề của những người làm móng dạo khá đơn giản: Chiếc kềm bấm, chiếc giũa, vài quả chanh, bút lông, vài lọ sơn,... Trước khi phục vụ khách, những người làm móng dạo thường lấy chanh sát trùng vào móng tay, móng chân, kể cả chiếc kềm. Sau đó, lấy kềm bấm lớp da xung quanh rồi dùng chiếc khăn đã cũ lau móng.

Nhìn cách họ làm, chúng tôi tự hỏi, không biết chỉ với một bộ đồ nghề này, họ đã làm cho bao nhiêu khách? Trao đổi về vấn đề này, Bác sĩ Lê Hiếu Đức - Phòng khám Da liễu Bệnh viện Đa khoa Long An cho biết, những dụng cụ làm móng nếu không được vô trùng, chỉ với một bộ làm móng được dùng chung cho nhiều người, trong quá trình làm, nếu để xảy ra trầy xước hoặc chảy máu, điều đầu tiên là rất dễ bị lây nhiễm những bệnh qua đường máu, chẳng hạn như bệnh HIV, viêm gan, giang mai,... Hơn nữa, móng thường chạm vào thịt. Theo thói quen lấy khóe, những người làm móng phải khoét móng, dẫn đến bị chấn thương, bị sưng và việc ngâm trong nước lâu dẫn đến nhiễm trùng ngoài da. Đó là chưa kể, với những người “nghiện” làm móng, lâu ngày sẽ khiến móng mất thẩm mỹ và không được khỏe.

Ngoài ra, trong khi làm móng, những hóa chất từ việc sơn móng cũng có thể gây nguy hiểm. Phần lớn những loại sơn này thường không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, hiện nay có nhiều loại sơn móng xuất xứ từ Trung Quốc, rất độc hại. Không những vậy, việc tẩy móng bằng aceton không đúng loại, đúng cách cũng không tốt.

Trên địa bàn tỉnh, đối với một số cơ sở như thẩm mỹ viện khi đăng ký kinh doanh đều phải kèm theo các điều kiện. Tuy nhiên, vấn đề này cũng rất khó kiểm soát chứ đừng nói gì đến những người làm móng dạo. Riêng với việc sát trùng dụng cụ bằng chanh hoặc cồn, chủ yếu để cho khách yên tâm, thật ra vẫn không có tác dụng. Bởi, để sát trùng có hiệu quả, theo Bác sĩ Đức, ít nhất phải ngâm đồ làm móng trong những dung dịch đạt tiêu chuẩn. Thông thường, loại dung dịch này đắt tiền và dùng để sát trùng với số lượng lớn, nên ở ngoài thị trường không có bán. Vì vậy, việc đòi hỏi những tiệm làm móng hoặc những người làm móng dạo bảo đảm khâu sát trùng là không thể.

Lời khuyên chân thành dành cho phái đẹp, nếu muốn làm móng bảo đảm an toàn (bao gồm cả làm ở tiệm hoặc làm dạo), cần tự ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân. Mỗi người nên tự trang bị cho mình một bộ dụng cụ làm móng riêng. Và chọn những loại sơn phải rõ nguồn gốc, chất lượng, không sử dụng hàng trôi nổi./.

Nguyệt Nhi

 

Chia sẻ bài viết