Tiếng Việt | English

08/06/2021 - 20:03

Cạn kiệt vaccine, châu Phi nguy cơ hứng chịu “cơn sóng thần” Covid-19 tồi tệ hơn Ấn Độ

Châu Phi có thể phải đối mặt với làn sóng Covid-19 tương tự hoặc thậm chí tồi tệ hơn ở Ấn Độ, trong bối cảnh thiếu hụt vaccine và 8 nước tại châu lục này báo cáo số ca mắc bệnh mới tăng 30% trong một tuần.

Cạn kiệt nguồn vaccine

Các quan chức y tế hàng đầu cảnh báo rằng, các quốc gia ở châu Phi đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ ba, trong khi việc cung cấp vaccine cho châu lục này lại bị ngừng trệ.

“Mối đe dọa về làn sóng Covid-19 thứ ba ở châu Phi là có thật và đang gia tăng. Ưu tiên của chúng tôi là phải nhanh chóng tiêm vaccine cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19”, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi cho biết.

Tiêm vaccine Covid-19 ở thành phố Kampala, Uganda. Ảnh: Shutterstock

Theo WHO, đại dịch đang có xu hướng nghiêm trọng hơn ở 14 quốc gia châu Phi. Chỉ trong tuần qua, 8 quốc gia đã chứng kiến sự gia tăng đột biến trên 30% số ca mắc bệnh. Trong khi đó, các chuyến hàng vaccine đến các quốc gia châu Phi gần như phải dừng lại.

“Trong khi nhiều quốc gia bên ngoài châu Phi hiện đã tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên cao và thậm chí có thể cân nhắc việc tiêm chủng cho trẻ em, thì các nước châu Phi thậm chí không thể tiếp tục tiêm liều vaccine thứ hai cho các nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao”, bà Moeti nói.

Theo The Guardian, châu Phi mới chỉ nhận được 50 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó 31 triệu liều đã được sử dụng ở 50 quốc gia với tổng dân số hơn 1 tỷ người.

Các quan chức y tế cấp cao bày tỏ lo ngại rằng, châu lục này có thể phải đối mặt với làn sóng Covid-19 tương tự hoặc tồi tệ hơn ở Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia có hệ thống y tế mạnh hơn nhiều so với nhiều quốc gia tại châu Phi.

Tới nay, châu Phi ghi nhận gần 5 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 130.000 ca tử vong do dịch bệnh. Con số này chiếm 2,9% số ca bệnh và 3,7% số ca tử vong trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, số người tử vong do Covid-19 ở châu Phi có thể cao hơn nhiều.

Chương trình chia sẻ vaccine COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn mà nhiều nước châu Phi hy vọng sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine công bằng trên thế giới, đã không cung cấp đủ lượng vaccine cần thiết. Các nước giàu đã mua hết nguồn cung vaccine sẵn có và các nhà sản xuất ở Ấn Độ cung cấp vaccine AstraZeneca cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Burkina Faso, quốc gia ở Tây Phi có 20 triệu dân, trong tuần này chỉ nhận được 115.000 liều vaccine từ COVAX, trong khi Rwanda và Togo mỗi nước nhận được khoảng 100.000 liều vaccine Pfizer. Tại Zimbabwe, nguồn cung vaccine Sinovac của Trung Quốc đã cạn kiệt.

Angola, Namibia và Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) cũng đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh.

Giáo sư Jean-Marie Kayembe, thành viên của lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của DRC, nói rằng số ca mắc bệnh tăng và thiếu hụt nguồn cung vaccine khiến đất nước đang đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ ba vào thời điểm hiện tại.

Nghịch cảnh vaccine tại châu Phi: Vì sao hàng nghìn liều vaccine phải tiêu hủy?

VOV.VN - Trong khi nhiều quốc gia châu Phi đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine Covid-19, một số quốc gia khác đang tiêu hủy hàng nghìn liều vaccine chưa sử dụng.

Làn sóng Covid-19 thứ 3 đang nổi lên ở châu Phi

Ở Nam Phi, nơi chiến dịch tiêm chủng đang bị trì hoãn nguồn cung vaccine gặp trục trặc, các nhà chức trách đang báo cáo sự gia tăng liên tục số ca nhiễm SARS-CoV-2 và số ca tử vong. Chỉ gần 1/40 dân số của quốc gia phát triển nhất châu Phi cận Sahara đã được tiêm vaccine Covid-19. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao ở Nam Phi thực tế được cho là có thể cao hơn gấp 2-3 lần.

Uganda, quốc gia chỉ nhận được 1/3 trong số 3 triệu liều vaccine dự kiến ​​từ COVAX, đã ghi nhận mức tăng 131% số ca mắc Covid-19 so với tuần trước. Tại Uganda, số ca nhiễm virus tăng ở các trường học và nhân viên y tế, các trung tâm cách ly và các đơn vị chăm sóc đặc biệt đã quá tải.

Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã tăng cường các biện pháp phòng dịch vào đêm 6/6 (giờ địa phương), ra lệnh đóng cửa trường học trong 6 tuần và cấm phần lớn các cuộc tụ tập đông người.

Hành khách đi xe buýt giãn cách ở Rwanda. Ảnh: AFP

Uganda đã ghi nhận 52.935 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 383 trường hợp tử vong do dịch bệnh. Tuy nhiên, số liệu này được cho là chưa thống kê đầy đủ do khả năng xét nghiệm tại nước này còn thấp.

“Trong đợt bùng phát dịch lần này, số bệnh nhân mắc bệnh nặng và nghiêm trọng cũng như số ca tử vong cao hơn những gì chúng tôi đã chứng kiến trong làn sóng Covid-19 đầu tiên. Chúng tôi lo ngại điều này sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt giường bệnh và nguồn cung oxy trong bệnh viện, trừ khi chúng tôi thực hiện các biện pháp y tế công cộng khẩn cấp”, ông Museveni nói.

Theo The Guardian, thiếu hụt oxy, giường bệnh và vật tư y tế là tình trạng phổ biến ở nhiều quốc gia. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 5, WHO chỉ ra rằng, cơ sở y tế và nhân viên y tế, những yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với các ca Covid-19 nặng, đang thiếu hụt nghiêm trọng ở nhiều nước châu Phi.

Trong số 23 quốc gia được khảo sát, hầu hết các nước chỉ có gần một đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) trên 100.000 người và chỉ 1/3 nước có máy thở cơ học. Trong khi đó, các nước giàu có như Đức và Mỹ có hơn 25 ICU trên 100.000 người dân.

Các nước như Tanzania, Burundi, Chad và Eritrea vẫn chưa bắt đầu bất kỳ chiến dịch tiêm chủng nào. Seychelles đã chứng kiến sự bùng phát trở lại của Covid-19 mặc dù đây là quốc gia được tiêm chủng nhiều nhất ở châu Phi. Điều này có thể do sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 mới.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hàng triệu người ở châu Phi sẽ rơi vào cảnh nghèo đói và nhiều người khác sẽ gặp khó khăn về thu nhập do đại dịch tiếp tục bùng phát trên khắp châu lục.

Một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy, cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra đã đẩy 131 triệu người trên khắp thế giới rơi vào cảnh nghèo đói.  

Theo bài phân tích, khoảng 494 triệu người ở châu Phi cận Sahara, trong tổng dân số 1,14 tỷ người, đã sống trong cảnh nghèo đói trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2020. Con số đó đến nay đã tăng thêm 40 triệu người, phân tích của Pew ước tính./.

VOV.VN(Theo The Guardian)

Chia sẻ bài viết