Tiếng Việt | English

28/03/2018 - 01:45

Cần Giuộc: Xã hội hóa xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia

Huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An là một trong những huyện tiêu biểu trong việc xã hội hóa xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG).

Năm 2017, Trường Mẫu giáo Phước Hậu được sự ủng hộ của một doanh nghiệp đầu tư xây dựng 5 phòng học và các thiết bị bên trong, tạo điều kiện cho trường nâng cao chất lượng giáo dục

Huy động các nguồn lực

Cuối năm 2016, toàn huyện có 35 trường được công nhận đạt CQG (đạt 57,4%), trong đó có 25 trường đạt theo bộ tiêu chí mới và 10 trường được công nhận theo bộ tiêu chí cũ (giai đoạn 2011-2015) đang có nhu cầu xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng. Qua khảo sát, giai đoạn 2016-2020, Cần Giuộc được đầu tư xây dựng mới 14 trường đạt CQG với tổng vốn trên 107,8 tỉ đồng.

Ngoài nguồn ngân sách tỉnh, huyện còn chủ động xã hội hóa xây dựng trường học đạt CQG. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giuộc - Võ Trường Tam cho biết: “Cần Giuộc tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp nên nhu cầu về việc tuyển dụng và giữ chân người lao động của các công ty, doanh nghiệp rất cao. Từ đó, địa phương chủ động vận động các công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường học đạt CQG để người lao động an tâm khi con em họ được học trong môi trường tốt, từ đó, họ gắn bó hơn với công ty. Ngoài ra, huyện còn chủ động đổi tên một số trường: Trường THCS Tân Kim thành Trường THCS Trương Văn Bang, Trường THCS Phước Lý thành Trường THCS Nguyễn Văn Chính,... nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, qua đó, thu hút nhiều mạnh thường quân đầu tư xây dựng trường học mang tên những người anh hùng ấy”.

Cuối năm 2017, huyện có 29/61 trường đạt CQG theo bộ tiêu chí mới, đồng thời, nhiều trường đạt CQG đang được nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Điển hình là Trường Mẫu giáo Phước Hậu được công nhận đạt CQG mức độ 1 vào năm 2016. Tuy nhiên, trường có 1 điểm chính và 2 điểm phụ, trong đó, điểm phụ ấp Long Giêng chỉ có 1 phòng học, không có bếp ăn, sân trường lồi lõm,... không đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ.

Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Hậu - Võ Thị Thùy Trang chia sẻ: “Nhu cầu gửi con của phụ huynh rất lớn, song phòng học ở điểm phụ không đáp ứng được nên phụ huynh phải “chạy” hộ khẩu để gửi con tại Trường Mẫu giáo Long Trạch (xã Long Trạch, huyện Cần Đước). Năm 2017, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện vận động 1 doanh nghiệp được 4,8 tỉ đồng đầu tư xây dựng 5 phòng học và các thiết bị bên trong ở điểm phụ ấp Long Giêng, chuẩn bị đưa vào sử dụng vào đầu năm học 2018-2019”.

Chị Nguyễn Huỳnh Hồng Nhung (ngụ ấp Long Giêng, xã Phước Hậu) bộc bạch: “Tôi có con nhỏ chuẩn bị vào mẫu giáo nên đang lo không biết gửi cháu ở đâu cho thuận tiện. Giờ đây, điểm trường ấp Long Giêng được xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khu vực gửi con”.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Năm 2013, Trường THCS Nguyễn Văn Chính được công nhận đạt CQG theo bộ tiêu chí cũ. Tuy nhiên, việc giữ vững danh hiệu và nâng chất để trường được công nhận lại sau 5 năm theo bộ tiêu chí mới là điều không đơn giản.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Chính - Nguyễn Tấn Chánh cho biết: “Xác định mục đích của việc xây dựng trường CQG chính là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, do đó, trường luôn tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trường vận động nhiều mạnh thường quân, cựu học sinh thành đạt về đóng góp xây dựng trường. Cụ thể, năm 2017, trường vận động được 10 bộ máy vi tính, trị giá 100 triệu đồng; tặng học bổng cho học sinh nghèo trị giá 100 triệu đồng; vận động 100 triệu đồng xây dựng nhà xe và 100 triệu đồng trang bị máy lọc nước,...”.

Năm 2017, Trường THCS Nguyễn Văn Chính vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm 10 bộ máy vi tính, trị giá 100 triệu đồng góp phần cải thiện trang thiết bị dạy học của nhà trường

Em Đặng Thị Tuyết Nga - học sinh lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Văn Chính, nói: “Học trong ngôi trường đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học giúp em tiếp cận nhiều phương pháp dạy học, học được kỹ năng sống, từ đó có điều kiện phát triển toàn diện”. Tuy nhiên, hiện nay, một số trường đang gặp khó khăn về quỹ đất; nhu cầu tăng cường dạy 2 buổi/ngày, tổ chức bán trú cho học sinh ở cấp mầm non, tiểu học khá cao nhưng lại thiếu giáo viên; một số phòng học xuống cấp cần đầu tư xây mới nhưng kinh phí hạn chế,...

Xây dựng trường học đạt CQG là một trong những nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo huyện Cần Giuộc đặc biệt quan tâm. Từ đó, huyện từng bước xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ngày càng giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dạy học toàn diện./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết