Tiếng Việt | English

17/12/2018 - 20:25

Cần Đước: Nuôi gà công nghệ cao góp phần cải thiện cuộc sống

Gà là 1 trong 2 vật nuôi (gà, tôm) chủ lực được Cần Đước chọn thực hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) về phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững. Qua đó, người nuôi gà đẻ được quan tâm hỗ trợ sản xuất ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Hiệu quả bước đầu

Chúng tôi đến thăm trang trại gà của Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Dịch vụ Ao Gòn - Nguyễn Văn Lai (ngụ ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đúng lúc công nhân của trang trại đang thu gom trứng gà. Trang trại có diện tích 10.000m2 với 10 khu trại nuôi khoảng 20.000 con gà đang cho trứng thương phẩm; cung cấp ra thị trường khoảng 15.000 trứng/ngày, giá bán trung bình 1.500-2.000 đồng/trứng, thu lãi gần 900 triệu đồng/tháng.

Ông Lai chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi nuôi gà theo kiểu truyền thống, nhỏ, lẻ, gặp không ít khó khăn khi giá thức ăn tăng cao, giá trứng giảm, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến đàn gà. Năm 2014, tôi nhận thấy, để nuôi gà đẻ được thuận lợi và có đầu ra ổn định, cần có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, nên quyết định cùng 9 hộ gia đình ngụ cùng ấp thành lập Tổ hợp tác Chăn nuôi gà. Đến tháng 7/2017, nhằm mở rộng quy mô sản xuất, chúng tôi thành lập HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Ao Gòn với 16 xã viên và tổng số đàn gà trên 80.000 con”.

Trung bình, mỗi xã viên trong HTX có số lượng đàn gà khoảng 7.000-8.000 con, tất cả đều tuân thủ quy chuẩn nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học, đạt tiêu chuẩn VietGAP. “Nuôi gà với quy mô lớn sợ nhất là dịch bệnh cũng như các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa.Thế nhưng, từ khi HTX ứng dụng phương pháp nuôi hiện đại, khoa học, giúp các xã viên duy trì được đàn gà đẻ, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao” - ông Lai cho biết thêm.

Nuôi gà ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi

Theo ông Lê Văn Chôm, ngụ ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, từ khi tham gia HTX, các xã viên được hỗ trợ mua thức ăn cho gà từ các đại lý hoặc công ty bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm trứng gà luôn đạt yêu cầu. Còn lúc trước, khi chăn nuôi nhỏ, lẻ, người nuôi mua thức ăn ở chợ, có lẫn nhiều loại tạp chất nên chất lượng trứng không đều.

Thông thường, các xã viên nuôi gà con giống 1 ngày tuổi đến tháng thứ 4 thì có thể cho trứng. Trung bình một lứa gà cho trứng thương phẩm khoảng 12 tháng mới thải loại và thay bằng con giống mới. Giá trứng tuy có lúc đạt cao 2.000 đồng/trứng và cũng có lúc xuống thấp chỉ còn 1.000 đồng/trứng nhưng với đầu ra ổn định, người chăn nuôi trong HTX vẫn an tâm vì không bị tồn đọng, khó bán.

Tiếp tục hỗ trợ

Toàn huyện hiện có 6 trang trại chăn nuôi gà với 30.000 con, tập trung chủ yếu ở xã Tân Lân. Thời gian qua, huyện điều chỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi gà trên địa bàn; hỗ trợ các HTX chăn nuôi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đăng ký sản xuất theo chuẩn VietGAP; phối hợp Dự án Lifsap hỗ trợ trang thiết bị chăn nuôi;... Qua đó, giúp người nuôi tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh theo hướng liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ ổn định, bền vững. 

“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) về phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững xác định “2 cây, 2 con” (lúa, rau, gà, tôm) để ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn của huyện hiện nay trong việc triển khai ƯDCNC trên con gà là thiếu nguồn kinh phí, bởi gà không nằm trong chương trình “3 cây, 1 con” (lúa, thanh long, rau, bò) của tỉnh nên người nuôi chưa được hỗ trợ nhiều. Do vậy, nhiều hộ vẫn còn sản xuất nhỏ, lẻ, không thể đầu tư trang trại lớn hơn để triển khai các mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến,...” - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân thông tin.

Theo Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường, thời gian tới, huyện tiếp tục chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thực hiện mô hình nhân rộng chăn nuôi gia cầm, nhất là con gà theo hướng VietGAP, từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường về truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, huyện sẽ hỗ trợ người chăn nuôi gà về vốn sản xuất; tổ chức tham quan mô hình ƯDCNC trong chăn nuôi gà an toàn sinh học, sản xuất theo chuẩn VietGAP; tăng cường xúc tiến thương mại, kêu gọi các đơn vị bao tiêu sản phẩm;... Qua đó, giúp người nuôi gà ƯDCNC nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, cải thiện cuộc sống, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện (nhiệm kỳ 2015-2020) về phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết