Tiếng Việt | English

11/11/2024 - 13:00

Cần Đước: Lan tỏa mô hình Ấp thông minh

Theo Quyết định số 49/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh Long An, các địa phương “về đích” nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu cần có ít nhất 1 ấp đạt tiêu chuẩn mô hình Ấp thông minh theo quy định tại Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua, huyện Cần Đước là một trong những địa phương tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 49/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

1. Theo Quyền Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Đào Hữu Tấn, Phước Đông và Tân Ân là 2 xã đi đầu trong triển khai hiệu quả Ấp thông minh. “Xã Phước Đông và xã Tân Ân có nhiều điểm nổi trội trong công tác chuyển đổi số cũng như các tiêu chí về văn hóa. Do đó, huyện thống nhất chọn 2 xã này để tập trung đầu tư và hoàn thiện các tiêu chí còn hạn chế nhằm bảo đảm đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu trong năm 2024” - ông Đào Hữu Tuấn thông tin.

Quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Phước Đông chọn ấp 1 làm điểm triển khai mô hình Ấp thông minh.

Ấp 1, xã Phước Đông, huyện Cần Đước thường xuyên tổ chức các cuộc họp nhằm tuyên truyền người dân ứng dụng công nghệ số

“Hiện ấp 1 có 619 hộ, tích cực thành lập và triển khai các tổ công nghệ số cộng đồng, tương tác, tương trợ lẫn nhau. Ấp chia thành 5 khu nhỏ và thành lập 5 nhóm Zalo, các thành viên trong nhóm học tập kinh nghiệm, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương phát triển KT-XH; thông báo làm căn cước công dân, cài đặt định danh mức 2” - Trưởng ấp 1, xã Phước Đông - Phan Văn Khá thông tin.

Từ khi triển khai mô hình Ấp thông minh, cuộc sống của người dân ngày càng tiện nghi, hiện đại. Trên địa bàn ấp 1 có hạ tầng Internet cáp quang và thông tin di động 4G/5G bao phủ đến 100% hộ gia đình, nhiều nơi lắp đặt wifi miễn phí; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh, trật tự được bảo đảm. Ấp còn có thế mạnh về mô hình Trồng lan ứng dụng công nghệ cao, áp dụng hệ thống tưới thông minh, điều khiển tự động qua điện thoại di động và có camera giám sát. Đến nay, ấp trang bị được 32 thiết bị tưới tiên tiến phục vụ 6ha lan. Hệ thống loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông được lắp đặt tại Nhà Văn hóa ấp, tự động tiếp âm và điều khiển từ xa qua thiết bị điện thoại di động.

Nhờ hiệu quả trong công tác tuyên truyền, nhiều người dân thành thạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống. Ông Nguyễn Công Thái (ấp 1, xã Phước Đông) chia sẻ: “Tôi thường sử dụng điện thoại thông minh để học tập kiến thức mới về nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nông sản. Qua đó, tôi cập nhật được nhiều thông tin bổ ích về giống, kỹ thuật nuôi trồng để ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, rồi chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn ấp”.

2. Với quyết tâm xây dựng NTM kiểu mẫu trong năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Ân chung sức, đồng lòng hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu, nhất là xây dựng Ấp thông minh. Từ đầu năm 2024, xã chọn ấp 2A làm điểm triển khai mô hình này, đến nay mang lại những kết quả nổi bật.

Nhà văn hóa ấp 2A, xã Tân Ân, huyện Cần Đước là điểm phát wifi miễn phí, giúp người dân, cán bộ cập nhật thông tin nhanh chóng, kịp thời

Theo Bí thư Chi bộ ấp 2A - Võ Văn Bối, hiện ấp có 187 hộ với hơn 900 nhân khẩu, phần lớn đều trong độ tuổi lao động. Do vậy, quá trình triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn có nhiều thuận lợi. Trong đó, Tổ công nghệ số cộng đồng của ấp hoạt động hiệu quả. Tổ thành lập nhóm Zalo chung của ấp và giúp người dân cập nhật kiến thức về sử dụng điện thoại thông minh, cài đặt các ứng dụng, làm thủ tục hành chính công trực tuyến, định danh mức 2,... Với các hộ thuộc diện khó khăn, người già neo đơn, thành viên Tổ đến từng nhà hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng. Hiện nay, ấp có khoảng 95% hộ trên địa bàn đều cài đặt, sử dụng chữ ký số VGCA để giao dịch bảo đảm an toàn.

Trên địa bàn ấp 2A có lắp đặt hạ tầng Internet cáp quang, trạm thu phát sóng viễn thông giúp phủ sóng mạng 4G/5G cho 100% hộ dân. Bên cạnh đó, người dân thoải mái kết nối wifi miễn phí khi đến Nhà văn hóa ấp. Đây cũng là nơi lắp đặt hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông được điều khiển qua điện thoại. Theo đó, khi Đài Truyền thanh xã phát thanh, cụm loa tại ấp tự động tiếp âm và phát cho người dân nghe rõ ràng hơn.

Công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn được ứng dụng vào đời sống người dân thông qua mô hình Ánh sáng văn hóa an ninh, trật tự. Đây là mô hình do Hội Nông dân xã Tân Ân thực hiện điểm tại ấp 2A. Với sự chung tay của 50 hội viên, có 115 bóng đèn và camera an ninh được lắp đặt trên 3.500m đường ấp, tổng kinh phí hơn 205 triệu đồng. Đặc biệt, các bóng đèn được kết nối với 2 trụ điện tại đường Kênh 30/4 và liên ấp 2A-2B để giúp đèn đường tự động tắt theo giờ cố định.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ân - Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Mô hình Ánh sáng văn hóa an ninh, trật tự không chỉ giúp tiết kiệm điện, người dân đi lại thuận tiện mà còn góp phần phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, hạn chế trộm cắp ban đêm. Người dân rất đồng tình về hiệu quả của mô hình và mong muốn nhân rộng trên địa bàn ấp trong thời gian tới”./.

Theo quy định của Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao của tỉnh giai đoạn 2021-2025, Ấp thông minh là ấp có thành lập các nhóm, tổ công nghệ số cộng đồng; hạ tầng Internet cáp quang và thông tin di động 4G/5G rộng khắp; có ít nhất 1 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các lĩnh vực trong đời sống; hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu 

Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Phước Đông, huyện Cần Đước không ngừng phấn đấu nâng chất các tiêu chí đã đạt. Đầu năm 2024, xã được chọn xây dựng NTM kiểu mẫu.

Hoàng Lan - Ngọc Hân

Chia sẻ bài viết