Thực tế từ các cuộc đình công có thể thấy rõ: Đa phần đều xảy ra tự phát, không đúng trình tự thủ tục vì không do cán bộ Công đoàn (CBCĐ) khởi xướng. Ở các cuộc đình công tự phát như vậy, thường CBCĐ cơ sở đều vắng mặt và hoàn toàn không có vai trò gì. Họ thừa biết “manh nha” của sự đình công nhưng không dám đứng lên vì sợ chủ sa thải, trù dập, mất thu nhập.
Đó là cái khó của CBCĐ vừa làm sao vì người lao động, vừa vì chủ doanh nghiệp mà hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Muốn làm được như vậy, muốn chất lượng CBCĐ ngày càng được nâng cao trước hết phải có những giải pháp để bảo vệ CBCĐ khi bị chủ doanh nghiệp trù dập, sa thải, nhất là để tiếng nói của CBCĐ cơ sở thực sự là tiếng nói chính đáng của người lao động. Tiếng nói ấy phải thực sự mạnh, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Tin rằng, khi có những cơ sở pháp lý đủ sức bảo vệ quyền lợi cho CBCĐ cơ sở thì chất lượng hoạt động của những cán bộ này sẽ ngày càng nâng cao, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và người lao động giao. Bên cạnh đó, cũng cần có nguồn tài chính sẵn sàng vào cuộc để bảo đảm quyền lợi cá nhân khi CBCĐ cơ sở tại doanh nghiệp bị trù dập, sa thải.
Ngoài những cơ chế bảo vệ cần thiết, CBCĐ phải tự trau dồi kiến thức pháp luật về CĐ và người lao động, kiến thức cuộc sống để có đủ hiểu biết, cơ sở pháp lý cần thiết, bảo đảm thành công khi cần đứng ra đấu tranh cho quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người lao động./.
N.Phong