Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An - Lê Thị Song An tham gia phát biểu về các nội dung liên quan đến cơ cấu các nguồn vốn của chương trình; về phát triển công nghiệp văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là việc đầu tư các thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp và đầu tư các thiết chế văn hóa ở nước ngoài.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Lê Thị Song An phát biểu tại phiên thảo luận
Xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm huy động được các nguồn lực xã hội tham gia vào Chương trình
Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, nhằm tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hóa. Các nội dung được đề xuất cơ bản đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước.
Chương trình được xây dựng công phu, phạm vi, quy mô rất rộng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình là hơn 256.000 tỉ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác. Và trong giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%) và vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng.
Đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, nguồn vốn này khá cao, trong đó có nguồn vốn huy động từ các nguồn lực của xã hội mà Chương trình cũng chưa xác định rõ các danh mục, dự án cụ thể để kêu gọi xã hội hóa. Nếu Chương trình không ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích sự tham gia từ các nguồn lực của xã hội, tôi cho rằng Chương trình cũng sẽ khó thực hiện và tiếp tục lặp lại những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra qua kết quả giám sát việc triển khai, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023.
Từ những vấn đề trên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An – Lê Thị Song An đề nghị, Chính phủ sớm xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, huy động được các nguồn lực xã hội tham gia vào Chương trình để giảm bớt Ngân sách Nhà nước trong quá trình thực hiện chương trình này. Đồng thời, đại biểu đề nghị, Chính phủ cân nhắc việc phân bổ vốn ngân sách địa phương cho chương trình và cần tính đến các địa phương còn nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp, hạn chế sự “cào bằng” trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, cần phân định rõ các nội dung, nhiệm vụ chi, nguồn chi và lộ trình cụ thể theo từng năm, làm căn cứ cho các địa phương phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình được rõ ràng và thuận lợi hơn.
Cần xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa
Đại biểu cho rằng, Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hoá nói chung và nội dung về phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đề ra trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Ngày nay, công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, góp phần quảng bá, bảo vệ và phát triển bản sắc dân tộc. Công nghiệp văn hóa hiện là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu các ngành Công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước; đến năm 2035, phấn đấu các ngành Công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước và có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%, đây được xem là mục tiêu đầy triển vọng. Và trong Chiến lược Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nêu rõ quan điểm: Các ngành Công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, và xác định rõ 12 lĩnh vực được xếp vào ngành Công nghiệp văn hóa.
Qua đó, đại biểu đề nghị, Chương trình cần phải xác định rõ trong 12 lĩnh vực này thì lĩnh vực nào cần phải tập trung nguồn lực đầu tư, lĩnh vực nào cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa để huy động được các nguồn lực thực hiện, tránh dàn trải, đầu tư không hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành: Luật Di sản văn hóa; Nghị định 31/2021/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Quyết định 1466/QĐ-TTg, ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục thực hiện xã hội hóa,…nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua.
Cần lộ trình đầu tư các thiết chế văn hóa ở nước ngoài cho phù hợp
Đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp là mục tiêu chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước, bởi không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, lao động mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cho người lao động tại các khu công nghiệp vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Điều này cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do các doanh nghiệp phần lớn vẫn quan tâm đến sản xuất, hiệu quả kinh doanh mà chưa chú trọng nhiều đến nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động; một số doanh nghiệp thiếu quỹ đất; hoặc vừa và nhỏ nên tiềm lực tài chính còn yếu dẫn đến chưa có vốn để đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa,...
Ngoài ra, cũng do người lao động thường xuyên phải làm việc tăng ca, nên ít có thời gian thư giãn, giải trí,... Vì thế, để từng bước khắc phục “lỗ hổng” trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, tạo sân chơi dành cho người lao động, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung và quy định thật cụ thể cơ chế, chính sách trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, nhất là sự phối hợp giữa các cấp, ngành và các doanh nghiệp trong việc đầu tư, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp; nâng cao chất lượng các hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí của người lao động, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Cần lộ trình xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh KT-XH còn nhiều khó khăn
Đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, việc đầu tư xây dựng một số Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về đẩy mạnh Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Song An còn băn khoăn việc đầu tư này thực hiện trong giai đoạn 2025-2035 có thật sự cần thiết không. Lý do đại biểu đưa ra là hiện nay trong nước vẫn còn nhiều công trình cần được xây dựng hoàn thiện. Việc đầu tư này chỉ nên được thực hiện nếu thực sự đáp ứng nhu cầu, mong muốn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và đem lại lợi ích về quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035
Đại biểu Lê Thị Song An cũng cho rằng, với sự phát triển công nghệ số như hiện nay thì chúng ta có thể tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua các nền tảng số sẽ mang lại hiệu quả hơn. Và hiện nay khi quan tâm một số vấn đề như văn hóa, ẩm thực, du lịch, đa phần mọi người đều lên không gian mạng để tìm kiếm thông tin trước.
Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên ưu tiên cho việc hoàn thiện các công trình thiết yếu trong nước nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, phát triển vững chắc nội tại của đất nước và có lộ trình đầu tư các thiết chế văn hóa ở nước ngoài cho phù hợp, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và một số dự án trong nước chưa đạt hiệu quả theo kế hoạch đề ra./.
Kiến Quốc