Tiếng Việt | English

19/12/2019 - 20:11

Cải tiến thành công Giá chấm trắc nghiệm

Đây là sản phẩm xuất phát từ ý tưởng sáng tạo của em Võ Bá Toàn - học sinh lớp 11A1, Trường THPT Cần Giuộc (xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cùng với sự hỗ trợ đắc lực của người bạn cùng lớp Huỳnh Nguyễn Đức Huy.

Chỉ với một chiếc điện thoại di động thông minh và một số vật liệu tái chế đơn giản, dễ tìm, Giá chấm trắc nghiệm của Võ Bá Toàn, Huỳnh Nguyễn Đức Huy đã giúp cho thầy cô tiết kiệm được khá nhiều thời gian, công sức trong việc chấm các bài thi trắc nghiệm.

Bá Toàn thổ lộ: “Hiện nay, các trường học trong cả nước thường sử dụng cách chấm thi bằng hệ thống tự động trên máy tính có kết nối với một số thiết bị khác. Tuy nhiên, với hình thức này còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là người chấm phải tự canh, chỉnh khoảng cách sao cho phù hợp với tờ giấy, tốn thời gian, nhân sự cho những đợt thi có số lượng bài khá lớn. Vì vậy, em đã tự mài mò, tìm ý tưởng, nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật có sẵn và chủ động liên kết với người bạn thân cho ra đời giá chấm trắc nghiệm”.

Em Võ Bá Toàn (bìa phải) và Huỳnh Nguyễn Đức Huy (giữa) cùng với giáo viên hướng dẫn nghiệm thu kết quả sản phẩm cải tiến của mình

Vật liệu tạo nên giá chấm trắc nghiệm hầu hết đã qua sử dụng, dễ tìm trong tự nhiên: Giá đỡ điện thoại, bánh răng, motor xoay chiều, dây điện, khay đựng giấy, trục xoay, công tắc, phích cấm,... Ưu điểm nổi bật của sản phẩm này là không mất nhiều kinh phí để đầu tư; giúp tiết kiệm thời gian chấm thi với khoảng 10 giây/bài thi (ít hơn cách chấm thủ công từ 3 - 5 phút/bài thi); đồng thời, tích hợp các chức năng quản lý thông tin kỳ thi, môn thi, ngân hàng câu hỏi,...

Hỏi về nguyên lý hoạt động của thiết bị cải tiến, Đức Huy vui vẻ nói: “Thiết bị này vận hành khá đơn giản, được cài đặt trên điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android. Người dùng chỉ cần lấy phích điện cắm vào ổ điện, khi có dòng điện chạy qua motor quay khiến cho các bánh răng chuyển sang làm trục quay. Theo đó, trục quay sẽ lăn từng tờ giấy trắc nghiệm. Chiếc điện thoại được bật phần mềm để sẵn, sẽ quét từng bài thi và các kết quả dần được hiện ra”.

Thầy Lê Trọng Tình, giáo viên Trường THPT Cần Giuộc, nhận xét: “Hiện nay, sản phẩm Giá chấm trắc nghiệm được nghiệm thu cấp trường. Độ chính xác của nó đạt gần như tuyệt đối, chỉ có lỗi từ một số câu các thí sinh tô, khoanh phần đáp án bị mờ hoặc sửa đáp án mà không xóa hết phần đáp án cũ, máy không nhận diện được. Nếu sản phẩm cải tiến này được phổ biến rộng rãi trong tỉnh, cả nước sẽ giúp ích rất nhiều cho người dạy thực hiện việc kiểm tra, đánh giá bài thi”.

Sản phẩm mang lại lợi ích đáng kể trong việc cải tiến khâu chấm thi trắc nghiệm trở nên nhanh, gọn, chính xác hơn đã giúp cho đôi bạn cùng lớp Võ Bá Toàn, Huỳnh Nguyễn Đức Huy xuất sắc giành giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Long An lần thứ 12 năm 2019.

Bí thư Đoàn trường THPT Cần Giuộc - Phạm Lê Giang Dũng khen ngợi: “Không chỉ đam mê sáng tạo, hai em Võ Bá Toàn, Huỳnh Nguyễn Đức Huy còn là học sinh chăm ngoan, giỏi đều các môn; hăng hái, đi đầu trong các hoạt động Đoàn trường và các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao do Huyện đoàn tổ chức. Hai em luôn gây ấn tượng mạnh mẽ với thầy cô giáo, học sinh của trường bởi lúc nào cũng vui vẻ, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè cùng nhau tiến bộ”./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết