Tiếng Việt | English

09/07/2022 - 10:20

Cải thiện kinh tế gia đình nhờ trồng sương sâm

Đổi mới tư duy, mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sáng tạo trong cách làm đã góp phần giúp nhiều nông dân cải thiện kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Trong đó, mô hình trồng sương sâm cùng máy vò sương sâm đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình anh Ngô Minh Chương và chị Lê Thị Sầu Riêng, ngụ ấp Mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Vò lá sương sâm bằng máy tự chế

Cách đây 5 năm, gia đình anh Chương và chị Sầu Riêng tìm hiểu và bắt đầu với trồng cây sương sâm. Từ 200m2 ban đầu, hiện nay, vợ chồng anh mở rộng diện tích lên 500m2, phân luống và trồng theo quy cách hàng cách hàng. Anh Chương chia sẻ: “Sau 8-9 tháng trồng, vườn sương sâm có thể thu hoạch đợt lá đầu tiên; sau đó, cứ cách 3 tháng thu hoạch đợt tiếp theo, cuốn chiếu liên tục trong hơn 10 năm”.

Năm 2016, sau khi vườn sương sâm bắt đầu thu hoạch ổn định, anh Chương mạnh dạn nghiên cứu, chế tạo máy vò lá sương sâm. Nguyên lý được anh vận dụng từ chiếc máy giặt, sau đó được cải tiến để hoàn thiện, phù hợp với vò lá sương sâm. Sau 3 năm thử nghiệm, thay đổi chi tiết, linh kiện phù hợp, máy vò lá sương sâm của gia đình anh Chương đã cơ bản hoàn chỉnh, mang lại hiệu quả cho người sử dụng. Đây cũng là sản phẩm giúp anh Chương đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo nhà nông của tỉnh Long An năm 2020.

Hiện tại, mỗi năm, gia đình anh bán từ 15-20 máy cho những người có nhu cầu sử dụng trong và ngoài nước. Một chiếc máy có giá từ 12-18 triệu đồng. Máy có thể thực hiện nhiều công đoạn như vò, vắt từ 1-1,5kg lá sương sâm trong thời gian khoảng 30 phút. Theo chị Sầu Riêng, trước đây làm thủ công, vò 1,5kg lá sương sâm sẽ tốn công sức gấp đôi so với vò máy và khó ra hết tinh chất của lá.

Gia đình anh Chương hiện vừa bán nguyên liệu lá sương sâm, cây giống và sản phẩm thạch sương sâm đã được chế biến. Lá được bán với giá 150.000 đồng/kg. Sản phẩm thạch sương sâm được bán theo đơn đặt hàng, bán tại chợ, một phần bán tại nhà. Do sản phẩm sương sâm sạch, được vò bằng máy tự động, nước lọc đã qua hệ thống xử lý tiệt trùng, không có chất bảo quản nên rất được người dân địa phương ưa chuộng. Mỗi ngày, gia đình anh vò từ 1,5-2kg lá sương sâm, tương đương hơn 40kg thạch để bán cho khách hàng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa - Lê Anh Nuôi cho biết: Trồng sương sâm là mô hình mới của địa phương, góp phần mang lại hiệu quả, cải thiện kinh tế gia đình. Hội Nông dân xã đang nghiên cứu nhân rộng trong thời gian tới nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao./.

Nhã Phương

Chia sẻ bài viết