Tiếng Việt | English

27/07/2015 - 05:14

Các trường đại học top giữa tuyển sinh khó

Dù được duyệt nguồn tuyển sinh dồi dào trong năm 2015, song đến với một số trường ĐH nằm ở top giữa như trường ĐH Vinh, ĐH Kinh tế Nghệ An, ĐH sư phạm kỹ thuật Vinh… đợt xét tuyển nguyện vọng 1 của Nghệ An khá khó khăn, do sức cạnh tranh giữa các trường trong việc thu hút thí sinh.

 ĐH Vinh là một trong 16 trường ĐH trọng điểm của cả nước công bố điều kiện xét tuyển vào ĐH chính quy năm 2015. Theo đó, trường sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì để xét tuyển. Điểm trúng tuyển vào từng ngành của ĐH Vinh sẽ cao hơn ngưỡng ít nhất 2 điểm, đảm bảo chất lượng đầu vào. Đặc biệt, trường đã quy định xét ngành nguyện vọng 1 trước. Kết thúc xét tuyển đợt 1, tại mức điểm trúng tuyển vào từng ngành, nếu còn chỉ tiêu, trường mới xét tuyển tiếp đợt bổ sung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi có danh sách trúng tuyển, trường sẽ kiểm tra hồ sơ, học bạ để công nhận trúng tuyển. Nếu thí sinh không đạt điều kiện đăng ký xét tuyển sẽ hủy kết quả trúng tuyển.


Nằm ở top giữa nên việc tuyển sinh của ĐH Vinh năm nay có nhiều khó khăn.

Năm 2015, trường Đại học Vinh có 5.100 chỉ tiêu, dành cho 43 ngành. Những năm trước, thí sinh nhập học vào trường gần 90% là thí sinh ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Riêng năm nay, cụm thi Vinh có số lượng thí sinh đông nhất cả nước, nhưng đến thời điểm này nhà trường vẫn không thể xác định được sẽ có bao nhiêu thí sinh nộp hồ sơ vào nguyện vọng 1 của nhà trường. Với những trường thuộc top đầu, việc tuyển sinh không quá khó vì chắc chắn lượng thí sinh nộp hồ sơ vào sẽ cao. Thế nhưng với những trường ĐH nằm top giữa như ĐH Vinh, việc làm thế nào để vừa tuyển đủ thí sinh, lại vừa đảm bảo chất lượng là điều không hề dễ dàng.

Chính vì thế, dù chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là mỗi trường đại học dành 70% chỉ tiêu cho thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, nhưng riêng trường ĐH Vinh sẽ dành khoảng 80%. Để tạo thuận lợi cho thí sinh, ĐH Vinh đã xây dựng phương án xét tuyển khá “mở”. Đơn cử, trước đây trường chỉ có khối thi truyền thống như A, B, C, D… Năm nay trường có nhiều tổ hợp môn thi mới và có những ngành cùng một lúc xét tuyển đến 4 tổ hợp. Cụ thể: Nhóm ngành Kinh tế (Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh tế đầu tư) thí sinh có thể đăng ký theo 3 tổ hợp: Toán - lý - hóa, toán - lý - Anh, toán - văn - Anh. Hay như ngành Luật, thí sinh có thể đăng ký theo các tổ hợp như: Toán-lý-hóa, toán - lý - Anh, văn - sử - địa, toán - văn - Anh. “Để tạo nên một thế hệ sinh viên mới "vừa hồng vừa chuyên", trường Đại học Vinh đang tập trung chuẩn đầu ra với chương trình đào tạo ngắn gọn, phù hợp với xu thế hội nhập. Hiện nhà trường tiến hành xây dựng phương thức đào tạo mới nhằm tạo mọi điều kiện cho sinh viên trong quá trình theo học như học một lúc hai ngành, đào tạo theo tín chỉ”, đại diện trường cho biết.

Với trường ĐH Kinh tế Nghệ An, năm nay trường dành 70% chỉ tiêu đại học và 70% chỉ tiêu cao đẳng để xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, với tổ hợp các môn thi đạt ngưỡng tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. 30% chỉ tiêu còn lại, trường sẽ dành xét tuyển cho thí sinh tốt nghiệp THPT và kết quả học tập bậc THPT. Điều kiện tuyển sinh của nhà trường cũng không quá khó: Thí sinh được công nhận tốt nghiệp và có điểm bình quân 3 môn của khối xét tuyển ở lớp 11 và kỳ I ở lớp 12 (3 kỳ) đạt từ 6,0 điểm trở lên.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả thi năm nay tốt hơn so với các năm trước. Với phổ điểm như vậy, việc xét tuyển vào các trường ĐH - CĐ sẽ rất khó khăn vì học sinh đạt từ 7 - 8 điểm trở lên ít, còn mức 5 - 6 lại rất nhiều. Các trường ở top trên tuyển được học sinh giỏi, nhưng các trường ở mức khá, trung bình và top dưới sẽ phải lấy chung một mức điểm chuẩn. “Với hình thức tuyển sinh hiện nay, giữa các trường đại học sẽ có sự cạnh tranh bằng chất lượng đào tạo, sự uy tín”, lãnh đạo trường Đại học Kinh tế Nghệ An phân tích.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Vinh đưa ra lời khuyên: Thí sinh cần phải xem xét kỹ quy định xét tuyển của các trường, xem xét chỉ tiêu các ngành, các khoa, trên cơ sở đó, căn cứ vào điểm thi của mình, để lựa chọn đăng ký nguyện vọng cho phù hợp. Trong quá trình nhận hồ sơ, các trường sẽ liên tục cập nhật điểm của thí sinh, vì vậy thí sinh có thể theo dõi vị trí điểm của mình trên tổng thể thí sinh chung. Nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, thí sinh có thể rút hồ sơ để nộp sang trường khác với khả năng trúng tuyển cao hơn. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần lưu ý là khi các em đã trúng tuyển vào một ngành ở trường đại học nào rồi thì không còn tham gia xét tuyển ở những đợt tiếp theo, bởi vậy thí sinh cần cân nhắc, lựa chọn trường, ngành đăng ký phù hợp nhất ở ngay đợt xét tuyển đầu tiên./.

B.Huệ/Tin tức

Chia sẻ bài viết