Tiếng Việt | English

03/08/2024 - 16:05

Các nội dung cần công khai, giải trình trước nhân dân  

Năm 2023, Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh Long An đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm thứ ba trung bình thấp; xếp hạng 7/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2024, tỉnh Long An phấn đấu có kết quả Chỉ số PAPI của tỉnh nằm trong nhóm có điểm trung bình cao.

Giải quyết đúng hạn hồ sơ thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân. Ảnh: Hà Lan

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh mới ban hành Kế hoạch nâng cao Chỉ số PAPI năm 2024. Trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các nội dung cải thiện Chỉ số PAPI.

Cụ thể là các nội dung: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử,…

Từ đó, xây dựng bộ máy hành chính công khai, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, nhất là chính quyền cấp cơ sở.

Nội dung công khai, minh bạch

Kế hoạch nâng cao Chỉ số PAPI năm 2024, UBND tỉnh xác định nhiệm vụ của hệ thống chính trị, nhất là cấp cơ sở phải tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong cộng đồng, các khu vực dân cư, tạo điều kiện thuận lợi để người dân kịp thời, dễ dàng tiếp cận thông tin.

Thông tin, tuyên truyền việc thực hiện dân chủ cơ sở, quy chế dân chủ nơi làm việc, công tác dân vận chính quyền.

Công khai, minh bạch đối với các hoạt động quản lý hành chính công trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức, nội dung một cách sâu, rộng có hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng ứng dụng chuyển đổi số một cách trực quan, sinh động nhằm đưa thông tin chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định tại địa phương đến người dân được biết, để nâng cao lòng tin, sự chia sẻ, đồng thuận và hài lòng của người dân với chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó là tuyên truyền đến người dân pháp luật về tiếp cận thông tin, thực hiện tốt các quy định về Luật Tiếp cận thông tin và những nội dung liên quan.

Đặc biệt, cần thực hiện đúng quy định về bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo; công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, kết quả bình xét, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, trụ sở (điểm hoạt động văn hóa) khu phố, ấp, bảng thông tin khu phố, ấp có hộ nghèo, hộ cận nghèo; mở rộng thông tin trên các trang thông tin điện tử của địa phương.

Công khai, minh bạch danh sách, chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, các khoản đóng góp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Thực hiện đúng các quy định về chính sách hỗ trợ xã hội, xét duyệt và công khai kết quả xét duyệt, công khai các khoản chi hỗ trợ.

Thực hiện đúng các quy định về công khai, minh bạch tài chính, ngân sách theo quy định; công khai về thu, chi ngân sách phải cụ thể, chi tiết, hình thức công khai phù hợp, thuận tiện để người dân có thể tiếp cận và giám sát, nâng tỷ lệ người dân tiếp cận, biết về công khai thu, chi ngân sách; bảo đảm độ tin cậy về tính chính xác của số liệu để người dân thực hiện quyền giám sát về công khai thu, chi ngân sách.

Kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý tài chính, tài sản công.

Các dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị liên quan đến xã, phường, thị trấn đều phải tổ chức lấy ý kiến góp ý của người dân tại địa phương. Thực hiện công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và khung giá đất hiện thời theo quy định pháp luật trên trang thông tin điện tử của huyện, thị xã, thành phố và tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn. Kịp thời cập nhật, công khai khi có sự điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mức giá đền bù khi thu hồi đất; công khai kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở khu dân cư.

Triển khai nhiều biện pháp để cải thiện về tỷ lệ người dân biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn xã, phường, thị trấn và nâng tỷ lệ người tham dự, đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Có trách nhiệm giải trình với người dân

Kế hoach của UBND tỉnh cũng yêu cầu thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật khiếu nại, tố cáo và về hòa giải ở cơ sở. UBND xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ, thường xuyên theo quy định; tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định đối với các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong Nhân dân; duy trì và tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa Chủ tịch UBND các cấp với các tầng lớp Nhân dân.

Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của ấp, khu phố và Tổ hòa giải ở cơ sở. Tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư khi phát sinh nội dung, vấn đề bức xúc trong quá trình triển khai nhiệm vụ của chính quyền và những nội dung khác người dân quan tâm.

Các dự án đầu tư, công trình do Nhân dân đóng góp xây dựng, do Nhà nước, các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho xã, phường, thị trấn phải có sự tham gia giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. UBND xã, phường, thị trấn phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp định kỳ thông báo kết quả hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã, phường, thị trấn đến người dân khu phố, ấp, cộng đồng dân cư.

Kịp thời tiếp nhận, xử lý và phản hồi các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo quy định. Thường xuyên tập huấn đội ngũ cán bộ, công chức về chuyên môn nghiệp vụ trong tiếp nhận, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết