Hỗ trợ người nhiễm
Từ năm 2021 đến nay, thông qua Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tài trợ, tỉnh duy trì hoạt động 4 nhóm CBO tại 4 địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS gồm: CBO Ban Mai (huyện Đức Hòa), CBO Vàm Cỏ Đông (huyện Bến Lức), CBO Chân Trời Mới (huyện Cần Giuộc), CBO Niềm Tin (TP.Tân An). Ngoài ra, còn nhiều cộng tác viên tiếp cận cộng đồng, giúp bảo đảm tỷ lệ bao phủ trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhóm CBO Ban Mai (huyện Đức Hòa) tham gia nhiều hoạt động cộng đồng
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) - Nguyễn Hoàng Uyên cho biết, HIV tập trung nhiều trên nhóm người nghiện, chích ma túy, người bán dâm và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Hiện nay, hệ thống y tế nhà nước khó tiếp cận nhóm này so với các nhóm CBO vì các nhóm CBO thường là người trong cuộc nên họ đồng cảm, thấu hiểu, dễ tiếp cận. 5 năm qua, 4 nhóm CBO kể trên tiếp cận, truyền thông và giới thiệu hơn 7.000 lượt người tham gia xét nghiệm HIV/AIDS; phát hiện và chuyển gửi 422 người dương tính để điều trị ARV, chuyển gửi 1.288 khách hàng có hành vi nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Đồng thời, các nhóm CBO còn tích cực phối hợp CDC tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS tại các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Trưởng nhóm CBO Ban Mai - Lê Nguyễn Hòa Hên cho biết, người có hành vi nguy cơ cao khi xét nghiệm HIV có phản ứng sẽ được tư vấn và chuyển gửi đến cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định và điều trị sớm (nếu nhiễm). Khi người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV (giúp ức chế virút HIV để lượng virút HIV trong máu về ngưỡng không phát hiện, không làm lây nhiễm HIV cho người khác qua đường tình dục), giúp người nhiễm sống khỏe mạnh.
“Thành công lớn nhất mà riêng nhóm CBO Ban Mai đã đạt là giúp đỡ được nhiều khách hàng kết nối vào OPC (phòng khám và điều trị ngoại trú dành cho bệnh nhân HIV/AIDS) sớm và duy trì được kết quả tải lượng virút dưới ngưỡng cũng như tuân thủ điều trị tốt theo phác đồ” - anh Hên chia sẻ thêm.
HIV/AIDS chưa phải là dấu chấm hết
Tháng 9/2024, Giám đốc Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc chủ trì Hội nghị tổng kết Dự án EPIC tỉnh Long An giai đoạn 2020-2024. Tại buổi lễ, ông Huỳnh Minh Phúc đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp can thiệp tìm ca HIV. Trong đó, cần ưu tiên can thiệp nhóm MSM trẻ tuổi thông qua mạng lưới cộng tác viên, đồng đẳng viên và các nhóm CBO. Ông Huỳnh Minh Phúc cũng cho biết, các nhóm CBO có vai trò chính trong việc tiếp cận và giới thiệu khách hàng là MSM đăng ký điều trị PrEP.
Anh Phổ Chánh (thành viên nhóm CBO Ban Mai) cho biết, công việc cụ thể của anh là tìm kiếm các ca nhiễm HIV trong cộng đồng, tiếp cận và giúp các bạn trong nhóm MSM. Anh cũng phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su, chất bôi trơn, giúp giảm đáng kể việc lây nhiễm HIV trong nhóm này. Ngoài ra, anh và các cộng sự còn tổ chức truyền thông để tuyên truyền thông điệp K=K (Không phát hiện = Không lây truyền), giảm sự kỳ thị của cộng đồng đối với người nhiễm HIV,...
“Điều giúp tôi gắn bó với nhóm CBO là vì có thể giúp đỡ được cộng đồng LGBT (người đồng tính nam, nữ, song tính và chuyển giới) nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung khi biết bị nhiễm HIV/AIDS. Tôi và người bạn trong nhóm cố gắng truyền thông cho mọi người biết rằng HIV/AIDS chưa phải là dấu chấm hết” - anh Phổ Chánh nói.
Trưởng nhóm CBO Chân Trời Mới (huyện Cần Giuộc) - Huy Hoàng tư vấn cho khách hàng nghi nhiễm HIV
Thành lập từ năm 2020, nhóm CBO Chân Trời Mới hiện tại có 5 thành viên và 10 cộng tác viên. Những hoạt động của nhóm cũng tương tự các nhóm CBO khác là tiếp cận cộng đồng, chia sẻ kiến thức dự phòng và điều trị HIV/AIDS; kết nối với các tổ chức khác trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận để có thể chuyển gửi khách hàng đến sử dụng các dịch vụ phù hợp theo nhu cầu.
Trưởng nhóm CBO Chân Trời Mới - Huy Hoàng chia sẻ, trong quá trình hoạt động, nhóm gặp không ít khó khăn. Mặc dù vậy, thành công lớn nhất trong 5 năm qua của nhóm là hỗ trợ được gần 800 người sử dụng dịch vụ ARV và PrEP, tiếp cận tư vấn hơn 2.000 người, cung cấp kiến thức về HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục trên địa bàn tỉnh. Anh N.M.N. là một trong số đó. Anh N. từng có mối quan hệ với một bạn đồng giới. Một thời gian sau, anh N. phát hiện mình mắc bệnh lao và tình trạng sức khỏe sa sút nghiêm trọng, chỉ còn hơn 40kg. Dù đã điều trị lao, bệnh tình chỉ thuyên giảm mà không khỏi hẳn. Một người bạn của N. đã đặt câu hỏi liệu có khả năng anh bị nhiễm HIV hay không?
Ban đầu, anh N. không đồng ý làm xét nghiệm HIV nhưng sau nhiều lần được thuyết phục, anh chấp nhận. Kết quả ban đầu cho thấy anh có phản ứng với HIV. Sau khi xét nghiệm khẳng định, N. chính thức được xác định nhiễm HIV. Trong giai đoạn đầu điều trị HIV, N. nhận được nhiều hỗ trợ về mặt tinh thần từ anh Hoàng và những người bạn trong nhóm. Hiện nay, N. có sức khỏe tốt và công việc, cuộc sống ổn định tại TP.HCM, tuy nhiên anh vẫn tiếp tục điều trị tại huyện Cần Đước.
Anh N. chia sẻ: "Khi biết nhiễm HIV, tôi hoang mang và sợ lắm. Tôi cứ nghĩ cuộc đời mình chấm hết từ đó nhưng nhờ sự động viên của anh Hoàng và mọi người, tôi dần lấy lại tinh thần và tin tưởng vào việc điều trị. Bây giờ, dù vẫn dùng thuốc điều trị nhưng tôi cảm thấy may mắn vì có thể sống tốt, làm việc và xây dựng tương lai”.
Được biết, các nhóm CBO được hỗ trợ kinh phí hàng tháng từ các dự án triển khai tại tỉnh như Dự án EPIC, Dự án Hỗ trợ mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 (AHF),... CDC luôn tạo điều kiện cho các nhóm CBO tham dự các buổi tập huấn do CDC tổ chức. Ngoài ra, CDC còn phối hợp trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố để bảo vệ quyền và tính pháp lý vững vàng dành cho các hoạt động của các nhóm CBO, từ đó cùng cả nước hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030./.
Trường Châu