Tiếng Việt | English

01/11/2017 - 04:58

Các ngân hàng cũng chê "gửi tiền tỉ đền 75 triệu"

Gửi tiền tỉ, nếu ngân hàng phá sản thì bảo hiểm tiền gửi bồi thường tối đa 75 triệu cho mỗi cá nhân/doanh nghiệp, số tiền mà chính các ngân hàng cũng chê ít.


Người dân sẽ cân nhắc kỹ hơn khi quyết định "chọn mặt gửi vàng" khi quy định cho phép ngân hàng phá sản được thông qua. Ảnh: THUẬN THẮNG.

Cho rằng xu hướng ngân hàng yếu kém phải phá sản là tất yếu, tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện một số ngân hàng cho rằng cần có mức đền bù hợp lý hơn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng nhỏ có trụ sở tại quận 1, TP.HCM, thừa nhận sẽ có sức ép lên các ngân hàng nhỏ nếu quy định cho phép ngân hàng phá sản mà mức bảo hiểm tiền gửi chỉ tối đa 75 triệu được thông qua.

Lý do là khi đó người gửi tiền sẽ dồn vào gửi ở những ngân hàng lớn, đặc biệt là ngân hàng có gốc quốc doanh vì tin rằng những ngân hàng khó phá sản.

Hệ quả là sẽ khiến cho các ngân hàng nhỏ sẽ càng khó khăn hơn trong việc huy động vốn.

"Sau năm 2011-2012 nhiều ngân hàng quốc doanh lớn đã hưởng lợi rất nhiều từ việc huy động vốn trong khi các ngân hàng nhỏ phải cạnh tranh rất gay gắt. Tuy nhiên những ngân hàng nhỏ có tài chính tốt thì sẽ không quá lo vì sẽ có cách để cho người gửi tiền biết tình trạng sức khỏe của ngân hàng mình", vị lãnh đạo này nói.

Cách mà vị lãnh đạo này vừa đề cập đó chính là thuê các tổ chức tín nhiệm quốc tế xếp hạng và công bố để công chúng biết.

"Hiện nay tại Việt Nam mấy chục ngân hàng nhưng chỉ hơn 10 ngân hàng thật sự khỏe mới dám thuê tổ chức tín nhiệm quốc tế xếp hạng. Qua đánh giá của những tổ chức độc lập này, người dân phần nào biết được ngân hàng khỏe hay không để "chọn mặt gửi vàng", ông này nói.

Trong khi đó, Tổng giám đốc một ngân hàng cỡ vừa tại TP.HCM cho rằng dù cho ngân hàng phá sản là điều mà nhiều quốc gia đã làm nhưng ở Việt Nam điều này vẫn còn "rất nhạy cảm" và có thể ảnh hưởng dây chuyền.

Theo ông này, nếu quy định ngân hàng phá sản được thông qua mà mức đền bù tối đa chỉ 75 triệu đồng thì "quá thấp so với mong đợi" và "không phát huy tác dụng" của bảo hiểm tiền gửi

"Nếu cho phá sản ngân hàng thì cần tăng mức bảo hiểm tiền gửi lên hoặc có chính sách khác. Dù mức bồi thường tối đa không thể nâng lên quá cao nhưng mức hiện nay là không hợp lý", vị tổng giám đốc này nói.

Cũng theo ông này, một khi điều đó xảy ra thì sẽ gây hoang mang cho những người về hưu vốn chỉ trông vào việc gửi tiết kiệm ngân hàng.

"Khi đó rất có thể lại phát sinh chuyện chia nhỏ sổ tiết kiệm ra cho nhiều người đứng tên đi gửi nhiều ngân hàng để đối phó với chuyện chỉ đền mỗi cá nhân tối đa 75 triệu", ông nói.

Hệ quả của điều này, theo ông, là không chỉ làm tốn kém chi phí xã hội mà còn gây rủi ro cho chính người gửi tiền vì có thể phát sinh kiện tụng, tranh chấp về sau.

Ông cho rằng khi đó, cần phải công bố sức khỏe các ngân hàng một cách rõ ràng, minh bạch, để dân chúng cân nhắc chọn gửi tiền ở đâu chứ không như hiện nay "thấy ngân hàng nào lãi suất cao là đến".

"Như vậy cuộc chơi sẽ sòng phẳng hơn. Còn hiện nay người dân tin Ngân hàng quốc doanh có nhà nước đứng sau lưng nên không lo. Làm vậy, có khi người dân thấy ngân hàng nào đẩy lãi suất lên cao quá so với thị trường thì họ đặt câu hỏi vì sao có chuyện như vậy vì lãi suất cao thì rủi ro sẽ cao", vị tổng giám đốc phân tích./.

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết