Thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu
Theo số liệu thống kê từ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, toàn tỉnh có 28 KCN với tổng diện tích trên 10.550ha, 39 chủ đầu tư hạ tầng. Đến nay, có 16 KCN đi vào hoạt động, diện tích đất chuyển nhượng hoặc cho thuê tính đến đầu tháng 7/2017 trên 1.905ha, tỷ lệ lấp đầy 68,4%.
Nhà máy Sản xuất dây cáp điện Thịnh Phát trong Khu công nghiệp Thịnh Phát, 1 trong 2 khu công nghiệp xin chủ trương tăng diện tích đất công nghiệp
Từ khi thành lập đến nay, các KCN thu hút 1.262 dự án, trong đó, 539 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 723 dự án đầu tư trong nước (DDI). Vốn đầu tư theo đăng ký của doanh nghiệp (DN) FDI là 3.274 triệu USD và các DN DDI là 61.604 tỉ đồng. Ngoài ra, có 351 dự án thuê nhà xưởng với tổng diện tích nhà xưởng 1.151.224m2.
Các KCN thu hút đầu tư tăng dần qua các năm, doanh thu và nộp ngân sách theo đó cũng tăng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có nhiều khởi sắc, nhất là đối với những DN vốn đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư lớn và sử dụng công nghệ tiên tiến.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của DN khu vực FDI đạt hơn 732 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2016; khu vực DN DDI đạt 13.396 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016. Nộp ngân sách nhà nước ở DN khu vực FDI đạt 36,04 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ; khu vực DDI đạt 775,92 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.
Về xuất khẩu, 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của DN FDI và DDI đạt 476 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, khu vực FDI đạt 354 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016 và đóng góp 74% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả khu vực FDI và DDI.
Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - Trương Văn Triều: Các KCN là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, góp phần mở rộng quan hệ kinh tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đưa nền kinh tế của tỉnh hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động của các KCN còn góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động. Thực tế cho thấy, các KCN của tỉnh đi vào hoạt động thu hút, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.
Rà soát, mở rộng, tiếp tục phát triển
Thời gian qua, do nhu cầu phát triển và khả năng lấp đầy của các KCN hoạt động ngày một tăng cao, có KCN không còn đất để tiếp nhận các dự án mặc dù có rất nhiều DN đến khảo sát và quyết định đầu tư. Các chủ đầu tư hạ tầng KCN có nhu cầu mở rộng diện tích để tạo mặt bằng sạch tiếp nhận dự án, chuyển đổi địa điểm đầu tư, hạn chế việc giảm diện tích đất lúa.
Đáp ứng nhu cầu này, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh trình các đề án điều chỉnh, bổ sung các KCN vào danh mục quy hoạch phát triển tổng thể các KCN Việt Nam đến năm 2020 với quy mô diện tích đề nghị điều chỉnh nhỏ, phạm vi hạn hẹp và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ quá trình biến động này dẫn đến một số KCN có sự thay đổi về diện tích.
Mặt khác, một số nhà đầu tư hạ tầng có kinh nghiệm, năng lực tốt, có mối quan hệ mật thiết với nhiều DN trong nước và nước ngoài, sau thời gian khảo sát thực tế, dựa vào định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh có văn bản và hồ sơ xin đầu tư hạ tầng KCN.
Các khu công nghiệp thu hút đầu tư tăng dần qua các năm, doanh thu và nộp ngân sách theo đó cũng tăng
Theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, ngày 14/3/2008 của Chính phủ, hiện tại, Long An có 2 KCN là Thịnh Phát và Hòa Bình đáp ứng được các điều kiện để mở rộng diện tích.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Cáp điện Thịnh Phát (huyện Bến Lức) - Vũ Đức Huy chia sẻ: “ Hiện tại, Thịnh Phát tiếp nhận rất nhiều DN đến khảo sát đầu tư cũng như DN hiện hữu trong KCN muốn mở rộng diện tích sản xuất nhưng diện tích đất còn trống khá ít, khó có thể tiếp nhận các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài đến thuê”.
KCN Hòa Bình (huyện Thủ Thừa) hiện có tỷ lệ lấp đầy trên 73% và nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 2.000m3/ngày, đêm. Diện tích đất KCN Hòa Bình xin mở rộng 49ha tại xã Nhị Thành. Ngoài 2 KCN xin mở rộng diện tích, Long An có 5 KCN thành lập mới và đề nghị bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển các KCN ở Việt Nam.
Bên cạnh một số KCN xin mở rộng diện tích, Long An hiện có 4 KCN do nhu cầu thực tế về nhà ở công nhân, chuyên gia, các dịch vụ hỗ trợ sự phát triển của các KCN và theo quy hoạch của địa phương đề nghị điều chỉnh giảm diện tích đất KCN. 4 KCN xin giảm diện tích: KCN Đức Hòa I, KCN Đức Hòa III - Việt Hóa, KCN Đức Hòa III - Anh Hồng và KCN Cầu Tràm. Diện tích 4 KCN xin giảm khoảng 82,4ha.
Cũng theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - Trương Văn Triều, qua kết quả rà soát các KCN trên địa bàn tỉnh, tổng số diện tích tăng, giảm và thành lập mới đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt nhằm bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển các KCN là 33 khu, tổng diện tích 11.825,9ha. Theo quy hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và chuẩn bị trình Chính phủ, tổng diện tích các KCN của Long An đến năm 2020 là 11.964ha.
Nếu Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt thì sẽ tạo điều kiện cho các chủ đầu tư hạ tầng KCN hoàn thành thủ tục pháp lý về đầu tư, sớm triển khai dự án, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH để Long An phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Các KCN là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, góp phần mở rộng quan hệ kinh tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đưa nền kinh tế của tỉnh hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động của các KCN còn góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động", Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - Trương Văn Triều./. |
Gia Hân