Tiếng Việt | English

02/02/2017 - 19:18

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đạt và vượt kế hoạch

Thời gian qua, học viên các trường nghề sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định, những định kiến về “trọng thầy hơn thợ” dần được xóa bỏ,... Từ đó, góp phần tác động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đạt và vượt kế hoạch.

Năm 2016, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo 18.982 lao động, trong đó, 258 cao đẳng, 1.841 trung cấp, 3.156 sơ cấp, 13.727 dạy nghề dưới 3 tháng, đạt 105,46%. Kết quả đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 62,86% (qua đào tạo nghề đạt 42,43%).

Đạt kết quả trên, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều chủ động phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh cho phụ huynh và học sinh, nhất là tạo được uy tín khi học viên ra trường được các doanh nghiệp chấp nhận và có việc làm ổn định với mức lương khá cao.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều thuận lợi trong việc được Trung ương và địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên nên chất lượng dạy nghề từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.


Sau khi học lý thuyết, học sinh luôn được thực hành ngay, từ đó, các em được nâng cao tay nghề

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Cần Giuộc - Trần Văn Thám cho biết: Trước đây, công tác đào tạo nghề của trường gặp rất nhiều khó khăn vì xã hội còn nhiều quan điểm khác nhau, trong đó, tư tưởng “trọng thầy hơn thợ” còn phổ biến, đồng thời, nhà trường chưa có sự phối hợp đồng bộ với các cấp, các ngành, nhất là phối hợp các doanh nghiệp. Chính vì thế, học viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Xác định được những nguyên nhân trên, nhà trường không đào tạo nghề theo “ý” mình mà luôn xác định nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, nhà trường còn xác định nghề chủ lực để tập trung đào tạo nâng cao chất lượng trong thời gian qua: Cắt gọt kim loại, điện công nghiệp,... Năm 2016, trường tuyển sinh đạt kế hoạch và có trên 95% học sinh ra trường có việc làm ổn định - thầy Trần Văn Thám thông tin thêm.

Bên cạnh việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự tìm biện pháp thu hút người học thì Nhà nước còn đưa ra những chính sách ưu đãi, miễn học phí cho các đối tượng học nghề: Con thương binh, bệnh binh, con liệt sĩ,...; học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp nghề. Qua đó, thu hút nhiều đối tượng học nghề.

Em Nguyễn Trọng Nghĩa - học sinh Trường Trung cấp Nghề Đồng Tháp Mười cho biết: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên không có điều kiện cho em học đại học. Thế nên, sau khi tốt nghiệp THCS, em quyết định chọn học nghề vì vừa rút ngắn thời gian học, vừa ít tốn chi phí và cơ hội có việc làm sau khi tốt nghiệp rất cao”.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa - Nguyễn Quốc Hùng: “Nhằm thu hút học sinh, trường thực hiện nhiều hình thức tuyển sinh, trong đó tư vấn trực tiếp cho học sinh, giúp các em hiểu về ngành nghề đào tạo, thị trường lao động, cơ hội việc làm sau khi ra trường. Kết quả năm 2016, trường tuyển sinh đạt 110%. Hiện trường có mối quan hệ với 50 doanh nghiệp. Đó là điều kiện thuận lợi để học sinh thực tập. Ngoài ra, trường còn phối hợp doanh nghiệp tổ chức ngày hội việc làm, giúp học sinh có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”.


Năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 62,86% (qua đào tạo nghề đạt 42,43%)

Năm 2017, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45%. Đồng thời, ngành tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; phối hợp các sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về giáo dục nghề nghiệp.

Với sự phấn đấu của các cấp, các ngành, nhất là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Long An sẽ gặt hái được nhiều thành công trong công tác tuyển sinh và đào tạo nghề. Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết