Bài 2: Ngoài kiểm soát, bắt giữ, còn phải vận động, cảm hóa
UBND tỉnh chỉ đạo trong thời gian tới, ngành chức năng cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thanh, kiểm tra, phòng, chống buôn lậu theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Các lực lượng không để thụ động, bất ngờ mà phải chủ động nắm bắt phương thức của buôn lậu để linh động bố trí lực lượng ngăn chặn và phòng, chống.
Bắt cho được đối tượng cầm đầu
Thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu rất tinh vi, cắt cử đồng bọn canh đường nên các cấp, các ngành, lực lượng càng phải có biện pháp nghiệp vụ “tinh vi” hơn để đấu tranh hiệu quả. Yêu cầu đặt ra là không để phát sinh, hình thành các điểm nóng, luồng, tuyến buôn lậu.
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, nhu cầu hàng hóa phục vụ thị trường tết gia tăng nên theo dự báo, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại sẽ rất dễ tăng. Do đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt, kịp thời ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.
Các lực lượng nắm chắc địa bàn, đối tượng tham gia buôn lậu, tiếp tay cho buôn lậu để có cách thức, biện pháp ngăn chặn. Những năm qua, có nhiều đối tượng là người ở nơi khác đến nhưng rất thông thuộc địa bàn biên giới của tỉnh để vận chuyển, tiếp nhận hàng lậu.
“Cần tìm hiểu, nắm kỹ các đối tượng này có mối liên kết với người nào tại địa bàn hay không để có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả” - Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út nhấn mạnh tại cuộc làm việc với các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh gần đây.
Ngoài kéo giảm người tại địa phương tiếp tay, vận chuyển thuê cho buôn lậu, UBND tỉnh còn yêu cầu các ngành chức năng đặc biệt tăng cường kiểm tra, rà soát và có giải pháp hữu hiệu để triệt xóa các ổ, nhóm buôn lậu, bắt giữ các đối tượng cầm đầu, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Đây chính là giải pháp mạnh để chống buôn lậu.
Trong công tác phòng, chống buôn lậu, các lực lượng phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Gần đây, tại hội nghị đánh giá về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế và yêu cầu các ngành đánh giá cụ thể, qua đó chấn chỉnh kịp thời để công tác phòng, chống buôn lậu đạt hiệu quả cao hơn.
Mặt khác, những năm qua, có nhiều vụ việc buôn lậu thuốc lá, ngành chức năng chỉ bắt được tang vật nhưng không bắt được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Nhiều vụ việc đủ yếu tố và tiến hành khởi tố vụ án để điều tra nhưng sau đó, do không xác định được đối tượng vi phạm nên phải ra quyết định đình chỉ vụ án. Qua tìm hiểu, những vụ việc này chỉ thu giữ được tang vật vì đối tượng phát hiện lực lượng chức năng nên bỏ hàng lại,
chạy thoát.
Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, thời gian qua, Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai các phương án, kế hoạch, chuyên án để đấu tranh, bắt giữ tội phạm buôn lậu. Ngoài phát hiện các vụ việc vi phạm, thu giữ tang vật thì yêu cầu quan trọng là phải bắt được cả đối tượng tàng trữ, vận chuyển để xử lý theo quy định pháp luật, nhằm tạo tính răn đe.
Từ nhiều giải pháp được đặt ra và kế hoạch thực hiện bài bản nên thời gian gần đây, nhiều đối tượng buôn lậu đã bị bắt giữ, căn cứ theo mức độ hành vi vi phạm, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can.
Thuốc lá bị thu giữ
Linh hoạt nhiều giải pháp “mềm dẻo”
Ngoài tăng cường tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý nghiêm vi phạm, đòi hỏi phải kết hợp nhiều “chiến thuật” linh hoạt, mềm dẻo khác. Lực lượng chức năng, các đoàn thể ở địa phương phải tăng cường bám cơ sở để tuyên truyền, vận động từ bỏ buôn lậu và huy động người dân cùng tham gia phòng, chống.
Cũng từ đó, nhiều năm qua, trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, các cấp, các ngành đã áp dụng nhiều biện pháp một cách kiên trì, bền bỉ. Theo đó, các lực lượng công an, biên phòng, các tổ chức chính trị - xã hội như Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Nông dân đã nhận trách nhiệm giám sát, cảm hóa, vận động nhiều trường hợp từ bỏ buôn lậu.
Ông Lê Văn Thành (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) bày tỏ: “Công việc nào cũng vậy, từ bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống buôn lậu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia đều phải dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân. Điều gì được dân đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ thì sẽ thành công”.
Một giải pháp cũng được đề cập rất nhiều là tạo việc làm, thu nhập để những người tiếp tay buôn lậu từ bỏ buôn lậu. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa nên nhu cầu thuê nhân công lao động tay chân không còn nhiều như trước. Điều đó có nghĩa, những người nghèo, không đất đai sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Dù không thể lấy lý do nghèo khó để biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật nhưng vì cuộc sống nên một số người ở địa phương vẫn còn làm liều, tham gia vận chuyển thuê cho đối tượng buôn lậu.
Thông tin từ Sở Tư pháp, thời gian qua, có nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm vận chuyển thuốc lá lậu nhưng chưa được thực hiện. Thực tế, đa số những người đi vận chuyển thuốc lá lậu thuê là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, trong khi mức xử phạt hành chính với hành vi vận chuyển thuốc lá lậu ở mức khá cao nên không có tiền nộp phạt.
Giải quyết việc làm cho người nghèo, không có đất đai sản xuất ở vùng biên giới là “bài toán” khó nhưng không có nghĩa là “bó tay”. Theo ông Nguyễn Văn Lâm (xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ), để công tác tuyên truyền, vận động, cảm hóa từ bỏ buôn lậu đạt hiệu quả hơn thì các cấp, các ngành cần tạo điều kiện cho người nghèo dễ dàng tiếp cận các gói hỗ trợ vay vốn, cây, con giống để phát triển kinh tế hộ gia đình, kết nối với doanh nghiệp mở các loại hình tiểu thủ công nghiệp, gia công may mặc, đan lát,...
Những năm qua, các cấp, các ngành đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiều người nghèo ở biên giới. Từ những đồng vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, nhiều người nỗ lực, vươn lên thoát nghèo bền vững, giã từ buôn lậu. Chống buôn lậu không phải là cứ bắt mà còn phòng ngừa và phải dựa vào nhân dân, như thế công tác chống buôn lậu mới đạt hiệu quả cao./.
Vũ Quang