Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện và bắt giữ đường buôn lậu qua biên giới
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, sau thời điểm mở lại các cửa khẩu, hoạt động buôn lậu qua biên giới trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng. Hàng hóa nhập lậu nhiều chủng loại, mặt hàng. Trong đó, đường cát, quần áo, giày dép, sành sứ (chén, ly, dĩa), đồ gia dụng, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng nhập lậu qua biên giới trên địa bàn các huyện biên giới: Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường tăng, diễn biến phức tạp. Trong đó, đáng chú ý là mặt hàng đường cát.
Qua diễn biến tình hình và thông tin phản ánh từ đường dây nóng, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương tăng cường các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn. Ngày 29/6/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh triệt phá đường dây buôn lậu đường cát với số lượng lớn tại ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng. 11 đối tượng bị bắt giữ cùng tang vật 1.831 bao đường cát nhãn hiệu Thái Lan (loại 50kg/bao, tương đương 91,5 tấn), 8 xe ôtô tải, 1 xe ôtô loại 16 chỗ và 14 xe môtô, 1 phà gỗ.
Qua công tác truy xét, điều tra mở rộng đường dây nhập lậu đường cát từ Campuchia về Việt Nam, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh thi hành lệnh bắt 4 đối tượng về tội buôn lậu, gồm La Văn Trận (46 tuổi, hộ khẩu thường trú ấp Sông Trăng, xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng), Võ Văn Công (42 tuổi, hộ khẩu thường trú ấp 1, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), Lê Minh Dững (34 tuổi, hộ khẩu thường trú ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng) và Phạm Văn Định (38 tuổi, hộ khẩu ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng). Đồng thời, Phòng Cảnh sát kinh tế mở rộng khám xét cơ sở sang chiết, đóng gói đường cát Ngọc Duyên (ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng) thu giữ thêm 105 tấn đường cát nhập lậu, 4 xe tải, 2 hệ thống băng chuyền, 1 bồn sang chiết, pha trộn và nhiều thiết bị đóng gói đường cát.
Ngoài buôn lậu đường cát, hiện nay, một số cơ sở chế biến đường phèn, pha trộn đường cát được cấp phép hoạt động trên địa bàn các huyện biên giới. Đây là một trong những hành vi gian lận thương mại để hợp thức hóa số lượng đường cát nhập lậu hiện nay.
Trên địa bàn huyện biên giới Đức Huệ, Thạnh Hóa, hoạt động buôn lậu thuốc lá tiếp tục được kiểm soát, kiềm chế nhưng vẫn còn xảy ra. Đối tượng buôn lậu lợi dụng đêm tối, các đường mòn, lối mở, chia nhỏ hàng hóa rồi mang, vác qua biên giới, giao cho các đối tượng sử dụng xe môtô vận chuyển vào nội địa các tỉnh để tiêu thụ. Quá trình vận chuyển, đối tượng thuê người canh đường, cảnh giới rất chặt chẽ.
Tình hình gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tăng so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng tăng, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, gây bức xúc dư luận và được cử tri quan tâm. Theo số liệu báo cáo, 8 tháng năm 2022, số vụ phát hiện, xử lý về hàng giả, hàng kém chất lượng là 51 vụ, tăng gần 50% so cùng kỳ năm 2021.
Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Trong đó, đã phát hiện, trình Chủ tịch UBND tỉnh xử lý 1 trường hợp sản xuất phân bón giả, vi phạm về nhãn và sản xuất phân bón không có giấy chứng nhận phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam với số tiền gần 400 triệu đồng và xử lý 2 công ty có liên quan với số tiền hơn 140 triệu đồng. Chuyển cơ quan công an truy cứu trách nhiệm hình sự 1 vụ kinh doanh phân bón giả, tang vật vi phạm là 31 bao phân bón giả và 1 vụ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tang vật gồm 60 cuộn thép (tương đương 25 tấn).
Để giảm thiểu tình trạng buôn lậu, nhất là đường cát, Cục QLTT phối hợp Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến đường phèn, pha trộn đường trên địa bàn các huyện biên giới nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để hợp thức hóa đường cát nhập lậu. Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục kiểm tra liên ngành, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý khi tình hình thị trường, giá cả hàng hóa có biến động./.
Mai Hương