Tiếng Việt | English

06/11/2024 - 09:12

Bữa ăn ngon cho trẻ mầm non

An toàn thực phẩm (ATTP) trong các trường mầm non là vấn đề quan trọng và ưu tiên hàng đầu bởi các bữa ăn ở trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, trẻ em trong độ tuổi mầm non, hệ miễn dịch còn yếu, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, nhất là thực phẩm không an toàn. Do vậy, để có bữa ăn an toàn, dinh dưỡng và ngon cho trẻ, các trường mầm non chú trọng công tác bảo đảm ATTP khi tổ chức bếp ăn và cho trẻ ăn hàng ngày.

Bếp ăn một chiều

Trường Mẫu giáo Rạng Đông (TP.Tân An, tỉnh Long An) được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức bếp ăn trong trường học. Bếp ăn của trường được xây dựng kiên cố với tổng diện tích 60m2, quy trình vận hành 1 chiều, thông thoáng, đủ ánh sáng, có đầy đủ đồ dùng, dụng cụ và được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Theo đó, dụng cụ nấu và chứa thức ăn như xoong, chảo, thau, tô, muỗng,... đều được làm bằng inox nên dễ dàng vệ sinh và không nhiễm độc khi sử dụng. Thực phẩm dùng nấu ăn được bảo quản trong kho và phân loại theo từng khu vực; thực phẩm đã chế biến được bảo quản trong nồi, xô có nắp đậy.

Ngoài ra, trường còn trang bị tủ lạnh để lưu mẫu thức ăn và nhiệt kế đo nhiệt độ tủ lạnh để lưu mẫu thức ăn hàng ngày của trẻ theo đúng thời gian quy định.

Nhân viên cấp dưỡng tuân thủ đúng các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm khi nấu ăn

Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Rạng Đông - Đặng Thị Kiều Tiên cho biết: “Quá trình tổ chức bếp ăn, nấu suất ăn cho trẻ ở trường đúng theo quy tắc bếp 1 chiều, bảo đảm vệ sinh ATTP từ khâu tiếp phẩm đến khâu phân chia. Trường hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, bảo đảm về mặt pháp lý và kiểm tra nghiêm ngặt khâu tiếp phẩm hàng ngày với sự giám sát của Ban Giám hiệu, giáo viên và phụ huynh”.

Khi chế biến thức ăn, cấp dưỡng của Trường Mẫu giáo Rạng Đông thực hiện đúng quy định, có áo blouse, tạp dề, nón, khẩu trang, găng tay,...; thực hiện tốt việc kiểm thực 3 bước, lưu và hủy mẫu hàng ngày, trong đó thường xuyên theo dõi, cập nhật nhiệt độ tủ lạnh vào sổ theo quy định.

Cô Đặng Thị Kiều Tiên cho biết thêm: “Cấp dưỡng của trường được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm; có chứng chỉ nấu ăn, thường xuyên được tập huấn và nhắc nhở về các quy định bảo đảm vệ sinh ATTP trong chế biến thức ăn hàng ngày. Trường cũng trang bị đầy đủ trang phục, đồ dùng, dụng cụ bếp theo quy định. Do vậy, các bữa ăn cho trẻ bảo đảm an toàn”.

Nhân viên cấp dưỡng trang bị đầy đủ bảo hộ khi nấu ăn và phân chia thức ăn cho trẻ

Từ năm 2012, Trường Mẫu giáo Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ) có bếp ăn 1 chiều. Trong đó, bếp ăn có cửa, lưới chống côn trùng, ruồi nhặng nhằm bảo đảm an toàn các loại thực phẩm, thức ăn cho trẻ. Bếp được trang bị đầy đủ đồ dùng phục vụ trẻ em ăn bán trú tại trường; dụng cụ chế biến thực phẩm bảo đảm vệ sinh.

Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mỹ Thạnh Tây - Nguyễn Thị Viết Trinh chia sẻ: “Bếp ăn của trường có diện tích 64m2, được thiết kế theo quy trình bếp 1 chiều gồm: Đầu vào là khu tiếp phẩm đến khu sơ chế, tiếp theo là khu thái thực phẩm đến khu nấu chín, cuối cùng là khu phân chia thức ăn. Tất cả dụng cụ chế biến bảo đảm sử dụng thực phẩm sống, chín riêng”.

Bảo đảm dinh dưỡng

Hiện Trường Mẫu giáo Rạng Đông tổ chức cho trẻ ăn 3 bữa/ ngày gồm: Sáng, trưa, xế với thực đơn đa dạng các món ăn và bảo đảm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Thực đơn thay đổi hàng tuần, 4 tuần mới lặp lại. Theo đó, bữa sáng là các món ăn như phở, bún bò, hủ tiếu, bánh canh, súp, bún riêu, cháo, nui,... và uống sữa bột dinh dưỡng; bữa trưa có cơm, canh, món mặn, món xào và tráng miệng; bữa xế là các món nước như bữa sáng hoặc có khi là bánh bao hấp,... Thực đơn cũng được thay đổi theo mùa và theo thời tiết nhằm bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho trẻ.

“Trường niêm yết bảng thực đơn ở gần cổng, khu vực phụ huynh ra, vào thường xuyên, có thể quan sát dễ dàng. Ngoài ra, hàng tuần, trường gửi vào nhóm Zalo của các lớp để phụ huynh nắm biết về thực đơn của trẻ. Từ đó, phụ huynh thay đổi món khác cho trẻ khi ăn ở nhà để trẻ không ngán và cân bằng dinh dưỡng” - cô Đặng Thị Kiều Tiên nói.

Trẻ xếp hàng nhận phần ăn

Để thức ăn bảo đảm an toàn và giữ được độ nóng, ngon, sau khi chế biến, cấp dưỡng Trường Mẫu giáo Rạng Đông phân chia và bảo quản trong xoong, xô, khay inox, được đậy kín trong quá trình vận chuyển và phân phát đến các lớp cho trẻ ăn. Trước khi trẻ ăn, giáo viên hướng dẫn trẻ rửa tay 6 bước và giữ gìn vệ sinh trong khi ăn, không nói chuyện, không dùng tay bốc thức ăn, tránh làm rơi vãi thức ăn,...

Trường Mẫu giáo Mỹ Thạnh Tây tổ chức cho trẻ ăn 1 bữa chính, 1 bữa phụ đối với mẫu giáo; 2 bữa chính và 1 bữa phụ đối với nhà trẻ. Trong quá trình chế biến, cấp dưỡng của trường chú trọng chọn thực phẩm an toàn, bảo đảm tươi ngon. Rau, quả ăn sống được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch, gọt vỏ trước khi cho trẻ ăn.

Nhân viên cấp dưỡng bổ sung thức ăn cho trẻ

Cô Nguyễn Thị Viết Trinh cho biết: "Nhân viên cấp dưỡng là người chịu trách nhiệm chính về bảo đảm vệ sinh ATTP cho trẻ. Từ khâu sơ chế, nấu ăn, chuẩn bị món ăn, vệ sinh nhà bếp,... nhân viên cấp dưỡng đều đeo khẩu trang, găng tay và thực hiện theo “10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn”, bảo đảm bữa ăn an toàn, dinh dưỡng cho trẻ".

Bảo đảm ATTP trong trường học, trẻ sẽ có bữa ăn an toàn, dinh dưỡng, ngon giúp bảo vệ sức khỏe và phát triển toàn diện./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết