Mô hình Bếp ăn 0 đồng, Bếp ăn yêu thương là những mô hình hiệu quả, thiết thực của hội viên, phụ nữ
Phụ nữ tích cực tham gia chống dịch
Huyện Cần Giuộc là địa phương ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên. Khi ấy, toàn bộ hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội được huy động cùng tham gia công tác chống dịch. Tiếp sức cho lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu, Hội LHPNVN huyện phát động cán bộ Hội, hội viên (HV), PN hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các điểm chốt và người dân trên địa bàn. Chỉ trong thời gian ngắn phát động, hàng trăm lượt cán bộ Hội, PN tình nguyện tham gia truy vết, nấu những suất ăn nghĩa tình cho lực lượng tại các chốt trực. Bên cạnh đó, PN Cần Giuộc còn đẩy mạnh vận động xã hội hóa các nguồn lương thực, thực phẩm, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, PN nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tiếp nhận những đóng góp của HV, PN, mạnh thường quân gửi tặng các khu cách ly, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị gần 3,4 tỉ đồng.
Theo Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Cần Giuộc - Huỳnh Thị Tuyết Hồng, bên cạnh các hoạt động tham gia trực tiếp và hỗ trợ trong phòng, chống dịch, HV, PN còn tích cực nhắn tin ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 và ra mắt hàng loạt các mô hình nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh: Chuyến rau 0 đồng; Bếp ăn 0 đồng; Bếp ăn yêu thương; Giúp PN, trẻ em khó khăn; Đi chợ giúp dân; Combo nông sản bình ổn giá, cùng các hoạt động Nâng niu giá trị nông sản Việt - kết nối nông sản - san sẻ yêu thương - vượt qua đại dịch,... Tất cả mô hình khi triển khai đều nhận được sự hưởng ứng tích cực của HV, PN trong toàn huyện. Song song đó, Huyện hội còn vận động hỗ trợ sữa cho 50 trẻ là F0, F1 dưới 6 tháng tuổi, tiếp nhận 200 phần quà của Hội LHPNVN tỉnh tặng các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hỗ trợ cán bộ Hội bị F0, F1.
Hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh sẵn sàng tham gia công tác truy vết, hỗ trợ người dân trong khu vực phong tỏa
“Khi thực hiện mô hình Bếp ăn yêu thương, chúng tôi xây dựng được tại mỗi xã, thị trấn từ 1-3 bếp ăn với 2-5 thành viên là cán bộ, HV, PN và tình nguyện viên trực tiếp nấu. Với tinh thần PN là hậu phương vững chắc, toàn huyện thành lập được 24 bếp ăn yêu thương với 112 cán bộ, HV, PN và tình nguyện viên tham gia. Hàng ngày, các bếp ăn cung cấp gần 18.000 suất cơm bảo đảm dinh dưỡng cho cán bộ trực tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, lực lượng tuyến đầu trực tiếp tham gia công tác truy vết, lấy mẫu sàng lọc cộng đồng,... Trong thời gian toàn tỉnh áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi triển khai mô hình Combo nông sản bình ổn giá để phục vụ nhu cầu mua thực phẩm thiết yếu của người dân. Hàng hóa được thiết kế thành những combo với nhiều mặt hàng phong phú, giá linh hoạt, giúp người dân thuận tiện trong việc đặt và nhận hàng qua số điện thoại, Zalo,... Dù là những phần việc nhỏ nhưng chúng tôi hy vọng được góp sức hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch” - Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Cần Giuộc - Huỳnh Thị Tuyết Hồng khẳng định.
Lan tỏa tinh thần phòng, chống dịch
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, HV, PN trên địa bàn tỉnh cũng trở thành lực lượng tích cực tham gia vào “cuộc chiến” chống dịch. Những mô hình, hoạt động của Hội được lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của HV cũng như của các tầng lớp nhân dân.
Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, thị trường khẩu trang khan hiếm, giá đắt đỏ, HV, PN thành lập các nhóm may khẩu trang, hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu. Ngày 06/02/2020, những chiếc khẩu trang nghĩa tình đầu tiên của HV, PN được may tại nhà bà Đoàn Thị Bé (ấp 1, xã Long Định, huyện Cần Đước) đã khơi nguồn cho hơn 100 tổ may khẩu trang sau đó được thành lập trong toàn tỉnh với 320 HV tham gia. Hàng trăm ngàn chiếc khẩu trang do HV, PN trong tỉnh may được trao tặng tận tay lực lượng tuyến đầu, những đơn vị, địa phương. Rồi khi dịch bùng phát, những mô hình: Bếp ăn 0 đồng, Bếp ăn yêu thương, Đi chợ giúp dân,... đã lan tỏa và phát triển mạnh, góp phần chung sức cùng toàn tỉnh trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm, 2 năm nay, công tác Hội và phong trào PN gắn với phòng, chống dịch Covid-19. Trong công tác phòng, chống dịch, có trên 2.260 cán bộ hội, chi hội trưởng, tổ trưởng và HV nòng cốt tham gia các tổ phòng, chống Covid cộng đồng, tổ phản ứng nhanh, tổ kiểm soát, hậu cần và hỗ trợ mua nhu yếu phẩm; gần 800 HV trực tiếp tham gia nấu ăn hỗ trợ các khu cách ly, các điểm trực chốt và các hộ bị ảnh hưởng tại các khu phong tỏa. Ngoài ra, trên 800 HV, PN tham gia trực chốt và truy vết các F trong cộng đồng. Qua đó, góp phần lan tỏa các mô hình của Hội LHPNVN các cấp trong công tác phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm trao quà từ chương trình Triệu phần quà san sẻ yêu thương cho các khu cách ly
Ngoài sự tham gia tích cực của HV, thời gian qua, Hội LHPNVN tỉnh và các cấp Hội còn chủ động kết nối các nhóm thiện nguyện tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tặng quà các khu cách ly, bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh, chiến sĩ nơi biên giới, với tổng trị giá trên 600 triệu đồng; hỗ trợ khẩn cấp cho 175 trẻ em và PN tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Bên cạnh đó, Hội LHPNVN các cấp còn cấp phát gần nửa triệu khẩu trang vải, khẩu trang y tế, hơn 7.000 chai dung dịch sát khuẩn cho người dân, lực lượng vũ trang trên tuyến biên giới và hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân với tổng trị giá hơn 20 tỉ đồng.
“Trong suốt thời gian xảy ra dịch Covid-19, HV, PN luôn thể hiện tinh thần sẵn sàng hy sinh, tích cực góp công, góp sức cùng các cấp chính quyền từng bước kiểm soát dịch Covid19” - Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm khẳng định./.
Kiên Định