Bộ trưởng Bộ KHCN lý giải việc tồn đọng 84.000 đơn đăng ký nhãn hiệu, sáng chế
Đến 31/12/2022, còn trên 64.000 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và khoảng hơn 20.000 đơn đăng ký bằng sáng chế chưa được xử lý.
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt sáng 7/6 là việc tồn đọng đăng ký quyền bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa.
Tồn đọng hơn 84.000 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế
Theo đại biểu Đinh Ngọc Quý, đoàn Gia Lai, người dân và doanh nghiệp bức xúc vấn đề đăng ký quyền bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa bị tồn đọng và không được giải quyết, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý, đoàn Gia Lai
Thủ tục, quy trình xử lý đơn đăng ký vẫn còn chậm, chưa ứng dụng được các công nghệ và hạn chế về nguồn nhân lực dẫn đến số lượng đơn tồn đọng về đăng ký bằng sáng chế và nhãn hiệu vẫn còn rất lớn.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thừa nhận việc chậm trễ trong xử lý các đơn đăng ký bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa. Đến 31/12/2022, còn tồn đọng trên 64.000 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và khoảng 20.000 đơn đăng ký bằng sáng chế chưa được xử lý.
Bộ trưởng Bộ KH&CN bày tỏ việc đang rất trăn trở khi tồn đọng lượng lớn đơn này do khả năng xử lý đơn của đơn vị vẫn còn hạn chế, một phần do số lượng đơn đăng ký tăng mạnh trong thời gian qua, một phần do đây là một lĩnh vực vẫn còn mới…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại phiên chất vấn sáng 7/6
“Việc tồn đọng lượng lớn đơn bảo hộ về sáng chế và nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, nhất là đơn bảo hộ nhãn hiệu rất lớn. Điều này cũng có cái mừng là kinh tế xã hội của chúng ta phát triển nên nhu cầu đăng ký bảo hộ sáng chế của các doanh nghiệp, nhà khoa học tăng như vậy... Việc tồn đọng này cũng đang gây khó cho toàn bộ hệ thống Bộ KH&CN, khiến chỉ số cải cách hành chính của bộ luôn ở mức rất thấp”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ.
Tư lệnh ngành KH&CN cho biết sẽ tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, kết hợp với điều chỉnh các quy trình nhận và xét đơn, tăng cường tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân sự để giúp xử lý vấn đề.
“Tuy nhiên, ít nhất phải đến năm 2025 hoặc 2026 mới có thể giải quyết vấn đề này bởi lượng đơn tồn đọng rất nhiều”, Bộ trưởng Bộ KH&CN thừa nhận.
Đại biểu Trần Chí Cường, đoàn Đà Nẵng
Sự chậm trễ trong thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Chí Cường, đoàn Đà Nẵng về thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng nhận trách nhiệm về sự chậm trễ này và mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ vì đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, cần cân nhắc, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, dự kiến cuối tháng 6/2023, bộ sẽ làm việc với TP Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM hình thành các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ KH&CN là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành chất vấn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành chất vấn cho biết, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ trương chung là Chính phủ ưu tiên thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Hiện nay đã có chủ trương và đã ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm, đã xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trong thời gian tới sẽ khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, sau đó triển khai tại các vùng. Đồng thời, khuyến khích các tập đoàn, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các trung tâm nghiên cứu và triển khai, cũng như các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, bước đầu có kết quả tốt.
Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ Tập đoàn Samsung đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển rất lớn tại Hà Nội, là nơi đủ công suất cho 3.000 nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, có điều kiện triển khai tiếp các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng, như tại Đà Nẵng, TP.HCM và các vùng khác.
Phát biểu tranh luận với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ KH&CN, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Bình Định cho biết, Bộ trưởng chia sẻ đây là lần đầu tiên có mô hình đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói rõ về vấn đề này nhưng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đã hoạt động từ năm 2019 đến nay.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết, qua 4 năm hoạt động, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đã rút ra kinh nghiệm như nào để có thể ứng dụng trong các trung tâm mới một cách thực chất để phát triển được khoa học, công nghệ. Đề nghị Bộ trưởng chia sẻ thêm kinh nghiệm về mô hình này?”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Bình Định giơ biển tranh luận
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết Trung tâm Đổi mới sáng tạo được thành lập ở Hà Nội, tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ở đây có nhiều mô hình, cách làm đáng để học tập, lan tỏa ra các trung tâm ở nơi khác. Kinh nghiệm là cần có chính sách đặc thù giãn thuế, kết nối với các quỹ đầu tư bảo hiểm hiệu quả. Ngoài ra, cần phát triển không gian làm việc chung cho các nhà khoa học, nghiên cứu và đầu tư.
Về vấn đề thu hút nhân tài, Bộ trưởng chia sẻ đây là điều rất trăn trở khi ông nhận công tác ở Bộ, cũng như trước đây ở cơ sở giáo dục đại học.
"Có chủ trương, nhưng khi triển khai rất loay hoay do vướng quy định, luật công chức, viên chức, quy định về tài chính", Bộ trưởng nói.
Vừa qua, Bộ triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức, Bộ đang xây dựng đề án, cố gắng để thật sự thu hút được nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc, cống hiến hiệu quả nhất.
Bộ KH&CN sẽ lấy ý kiến cơ quan quản lý, địa phương và các nhà khoa học, mong đại biểu Quốc hội đóng góp cho đề án này./.
Nhóm PV/VOV.VN
- Cử tri Thạnh Hóa đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề từ thực tiễn cuộc sống (27/11)
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Chưa sáp nhập ngay các tỉnh, thành phố (27/11)
- Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình 'Thực trạng và giải pháp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất' (27/11)
- Chương trình bấm nút chọn 'Hóa đơn may mắn' quí III/2024 (27/11)
- Đóng góp ý kiến phục vụ công trình Địa chí Long An (27/11)
- Đưa vào sử dụng công trình ‘Bảo vệ an ninh nguồn nước, chỉnh trang đô thị tại khu vực Hồ Bảo Định, TP.Tân An’ (27/11)
- Phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử và kinh tế số (27/11)
- Phản bác luận điệu xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của đảng (27/11)