Nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm
Dù biết hút TL có hại cho sức khỏe nhưng cai nghiện không phải dễ. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An - Nguyễn Văn Hoàng bày tỏ: “Tôi biết hút TL ảnh hưởng sức khỏe của mình và người thân nhưng rất khó bỏ”.
Tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền về tác hại thuốc lá
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ Nguyễn Tấn Hiền, mỗi điếu thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư. TL gây ra khoảng 25 bệnh nguy hiểm như tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tinh trùng biến dạng, sâu răng,... Hút thuốc còn là nguyên nhân gây ung thư: Phổi, thanh quản, khoang miệng, thực quản, tụy, bàng quang, tử cung,...”.
Ngoài ra, hút thuốc còn gây ô nhiễm môi trường, tình trạng hút thuốc thụ động ảnh hưởng đến sức khỏe người khác, nguy cơ cháy, nổ, gia tăng TL lậu, TL giả và ảnh hưởng kinh tế gia đình, xã hội.
Cần quyết tâm cao
Người hút thuốc muốn bỏ TL cần có ý chí và quyết tâm cao. Khi cố gắng cắt giảm hay bỏ TL, người hút sẽ cảm thấy khó chịu, không thoải mái bởi não bộ phản ứng và “yêu cầu” phải tiêu thụ nicotine - chất gây nghiện. Nếu vượt qua được cảm giác này, họ sẽ cai nghiện TL thành công. Người hút thuốc hiểu rõ nguyên nhân gây nghiện và tác hại của TL sẽ tự giác bỏ.
Ông Võ Văn Bê (SN 1944), ngụ ấp 2 và ông Đặng Văn Bàng (SN 1953), ngụ ấp 1, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa là 2 trường hợp cai nghiện thành công khi hiểu rõ tác hại của TL. Ông Bê cho biết: “Tôi hút TL từ lúc 16 tuổi, bình quân mỗi ngày “tiêu thụ” 2 gói. Nhiều người kêu bỏ thuốc, tôi còn nói đùa “thà bỏ vợ chứ không bỏ TL”. Thế nhưng, khi hiểu rõ tác hại của TL, tôi tự giác bỏ. Từ ngày bỏ TL, tôi khỏe mạnh và tăng ký nhiều hơn. Muốn bỏ thuốc, không có cách nào khác ngoài sự quyết tâm của mình”.
Nhờ bỏ hút thuốc lá, ông Võ Văn Bê khỏe mạnh hơn. Tuy tuổi cao nhưng ông vẫn có thể lao động, sản xuất
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa - Võ Thanh Bảo kiên quyết bỏ TL được hơn 1 năm. Ông Bảo cho biết: Khi phát động “cơ quan không khói thuốc lá”, là người đứng đầu, tôi phải gương mẫu thực hiện. Hơn nữa, động lực để tôi bỏ TL là vì sức khỏe bản thân, người thân, nhất là con gái của mình. Mỗi khi thấy tôi cầm điếu thuốc, con gái lại năn nỉ tôi bỏ. Thương con nên tôi cố gắng không hút TL nữa”.
Để xây dựng môi trường không khói TL, ngoài sự quyết tâm, mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành Luật Phòng, chống tác hại của TL. Hiện nay, dù có quy định bố trí nơi hút TL ở các cơ quan, đơn vị nhưng khói thuốc vẫn khuếch tán ra không trung, ảnh hưởng đến sức khỏe người xung quanh vì hút thuốc thụ động.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Hiền kêu gọi: “Vì một cộng đồng không khói thuốc, vì sức khỏe của mỗi người, vì tương lai con em chúng ta, mọi người hãy bỏ TL ngay từ bây giờ. Hãy kiên quyết nói không với TL khi chưa từng hút. Hãy để môi trường xung quanh không khói TL!”.
Việc cai nghiện TL cần có ý chí, quyết tâm cao của mỗi người và người thân cần động viên, giúp người hút bỏ TL thành công./.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì mắc các bệnh do sử dụng thuốc lá. Con số này sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng, chống tác hại TL không được thực hiện kịp thời và hiệu quả.
Nhằm tuyên truyền phòng, chống tác hại của TL, ngành Y tế tham mưu, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể, trường học thực hiện nhiều hoạt động trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, ngành phối hợp phát spot thông điệp phòng, chống tác hại của TL trên Đài Phát thanh và Truyền hình Long An được 80 lần, thực hiện 6 phóng sự, tọa đàm; nhắn tin đến 100.000 thuê bao di động nhân Ngày Thế giới không TL; tổ chức giám sát việc thực hiện xây dựng môi trường không khói TL tại 44 đơn vị; tổ chức 35 cuộc sinh hoạt chuyên đề, có 2.500 lượt người dự,... Các hoạt động này góp phần xóa bỏ hành vi hút TL trong cộng đồng.
|
Ngọc Mận