Cầu Vàm Cống có tổng mức đầu tư hơn 5.460 tỉ đồng bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước; trong đó nguồn vốn ODA cấp phát năm 2019 đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 70/2018/QH14 là 60.000 tỉ đồng.
Đến nay, Bộ đã giao kế hoạch đầu tư nguồn vốn ODA là gần 32.950 tỉ đồng, đạt 54,9% kế hoạch Quốc hội giao.
Về giải ngân nguồn vốn ODA cấp phát trong sáu tháng đầu năm ước đạt gần 4.180 tỉ đồng, bằng 6,9% kế hoạch Quốc hội giao và 12,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết mức giải ngân này thấp hơn cùng kỳ năm 2018; trong đó, có tám trong số 59 địa phương được giao kế hoạch vốn nước ngoài có tỉ lệ giải ngân trên 30%. 11 bộ ngành Trung ương được giao kế hoạch vốn đều giải ngân dưới 30%; 28 địa phương chưa giải ngân nguồn vốn này.
Lý giải về giải ngân chậm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân là do vướng mắc trong kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài. Theo đó, đến hết tháng 6/2019, kế hoạch nguồn vốn ODA cấp phát năm 2019 mới giao được 54,7% số vốn Quốc hội phân bổ.
Nguyên nhân giao chậm là do thiếu vốn đối ứng nên không hấp thụ vốn nước ngoài. Đơn cử, Bộ Giao thông Vận tải hiện chỉ đề xuất dự kiến giải ngân gần 9.314 tỉ đồng trong số 14.480 tỉ đồng kế hoạch được Quốc hội phân bổ.
Bên cạnh đó, còn do nguyên nhân dự án hết hạn mức kế hoạch trung hạn, phải chờ cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh, bổ sung; dự án mới ký kết hiệp định chưa được bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa có cơ sở bố trí kế hoạch vốn hằng năm. Hay nguyên nhân dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư hoặc gia hạn hiệp định vay.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân do tính sẵn sàng của các dự án thấp. Bởi thực tế cho thấy, nhiều dự án được bố trí đủ kế hoạch vốn nhưng không thể giải ngân được do những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư, nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư... Chẳng hạn như dự án mở rộng bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, dự án giao thông đô thị thành phố Hải Phòng; dự án nâng cấp trường Đại học Cần Thơ... Cùng đó, do vướng mắc trong thủ tục và thẩm định cho vay lại và vướng mắc trong thủ tục giải ngân, rút vốn.
Để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA cấp phát trong năm nay, ngay trong những tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/1/2019 về việc triển khai Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
Bộ cũng tiếp tục rà soát, xây dựng báo cáo tổng thể và phương án xử lý những tồn đọng trong phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 nguồn vốn nước ngoài trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 tại một số bộ, ngành, địa phương.
Nhằm tháo gỡ khó khăn đối với các dự án ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các địa phương báo cáo chi tiết khó khăn vướng mắc về giải ngân vốn ODA của từng dự án gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để tổng hợp theo từng nhóm vấn đề, xử lý theo thẩm quyền trách nhiệm từng cơ quan hoặc báo cáo cấp cáo thẩm quyền xem xét, xử lý./.
Theo TTXVN