Tiếng Việt | English

31/03/2018 - 09:30

Bình Thạnh đời sống người dân nâng cao

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế,... qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được mở rộng, trải đá, tạo thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng

Thời gian qua, kết quả nổi bật trong sản xuất nông nghiệp ở xã Bình Thạnh là việc chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây ăn trái, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Toàn xã hiện có 5,8ha cây ăn trái: Ổi, dừa, bưởi, sầu riêng, thanh long,... Các cây trồng này đều phát triển tốt, cho thấy sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Tuy nhiên, do kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất còn hạn chế, nông dân phải mất nhiều chi phí vận chuyển nên lợi nhuận thấp.

Nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn, Bình Thạnh chú trọng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi, xem đây là “đòn bẩy” thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Trong năm qua, xã sửa chữa đường phía Tây kênh Đường Bàng; trải đá 0x4 đường cặp kênh T1; nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường liên xóm, ấp, kết hợp nạo vét kênh, mương, gia cố đê bao chống lũ, bảo vệ việc sản xuất của người dân.

Điều phấn khởi của địa phương là trong thực hiện các công trình luôn có sự chung sức, đồng lòng, tích cực đóng góp của người dân dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Văn Hiền cho biết: “Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong năm qua, người dân trên địa bàn góp gần 400 triệu đồng, 300 ngày công lao động đắp cống,
nâng cấp đê bao chống lũ để cứu lúa vụ Hè Thu; ngoài ra, còn hiến đất, ngày công lao động và tiền mặt trị giá trên 600 triệu đồng để thi công trải đá lộ giao thông nông thôn, nạo vét kênh, mương”.

Chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Ngọc Minh (52 tuổi), ngụ ấp Gò Vồ Nhỏ, một trong những hộ đi đầu trong phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thời gian qua. Trước đây, gia đình ông Minh chưa mạnh dạn mở rộng sản xuất vì đường và cầu giao thông nông thôn còn nhỏ hẹp, xe ôtô chưa thể vào để vận chuyển hàng hóa. Hiện nay, khi cầu kênh T1 được mở rộng, xây dựng kiên cố, ông bắt đầu cải tạo khoảng 4ha đất lúa, chuyển sang trồng dừa và bưởi, đồng thời trồng xen chanh, ổi và nuôi cá, dê để tăng thêm thu nhập. Không chỉ chủ động sản xuất nông sản có giá trị kinh tế cao, mô hình sản xuất của gia đình ông còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Minh chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái, bước đầu mang lại hiệu quả

Nỗ lực giảm nghèo

Nhờ sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm. Hiện tại, toàn xã còn 27 hộ nghèo, chiếm 3,7% (nghị quyết 4%), giảm 15 hộ so cùng kỳ. Đây là kết quả rất phấn khởi của địa phương. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập hơn nữa cho người dân, địa phương thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 170ha ở 2 ấp Chuối Tây và Mây Rắc. Xã chủ động liên hệ Trung tâm Khuyến nông tiếp tục mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp nông dân sản xuất hiệu quả, làm giàu chính đáng. Hiện nay, xã triển khai xây dựng trạm bơm điện khu vực lộ 82, cung cấp nước tưới cho vụ lúa Hè Thu 2018 và nhân rộng mô hình để xây dựng thêm các trạm bơm điện ở những khu vực đủ
điều kiện đê bao lửng khép kín.

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3,44%, xã nắm nhu cầu của các hộ dân để có biện pháp giúp đỡ, hướng dẫn phù hợp, không để những hộ thoát nghèo tái nghèo. Xã tuyên truyền, vận động nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ để phòng, tránh sâu, bệnh và đưa vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ (64 tuổi), ngụ ấp Sậy Giăng, nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà năng suất, chất lượng lúa không ngừng nâng lên. Ngoài ra, hệ thống đê bao được gia cố thường xuyên, những diện tích lúa trong đê được bảo vệ tốt, nông dân không còn lo lắng mỗi khi lũ về. “Vụ Đông Xuân này, lúa phát triển tốt, ít sâu, bệnh, bán được giá, nông dân ai cũng phấn khởi” - ông Mỹ vừa nói, vừa chỉ tay về cánh đồng lúa vàng, oằn bông đang chờ thu hoạch.

Đời sống được cải thiện, người dân càng thêm phấn khởi, chung sức, đồng lòng cùng địa phương xây dựng nông thôn mới./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết