Tiếng Việt | English

19/03/2018 - 19:43

Bình Phong Thạnh nâng cao thu nhập cho người dân

Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An triển khai thực hiện nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nghị quyết Đảng ủy xã năm 2017 đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4,8%. Thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, hiện nay, toàn xã còn 41 hộ nghèo, chiếm 3,7%. Đây là động lực để xã tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,7% vào cuối năm 2018.

Tăng thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Hoàng Em (tên thường gọi là Út Cưng), ngụ ấp 2, một điển hình về phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn xã. Anh Hoàng Em chia sẻ: “Gia đình tôi có khá nhiều ruộng đất nhưng trước đây, chủ yếu trồng lúa. Việc sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết và giá cả thu mua nên cuộc sống chỉ ở mức ổn định”.

Mô hình nuôi cá bước đầu mang lại hiệu quả, giúp gia đình anh Trần Hoàng Em tăng thêm thu nhập

Theo anh Hoàng Em, vùng này trồng lúa tuy thuận lợi nhưng giá cả còn bấp bênh nên thu nhập không cao. Nhận thấy, muốn làm giàu không còn con đường nào khác là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường, anh dùng số tiền tích lũy gần 3 năm đầu tư cải tạo đất, trồng cây ăn trái và nuôi cá để tăng thu nhập cho gia đình.

Được biết, anh Hoàng Em dành hơn 3ha đất trồng dừa, sen, chuối kết hợp nuôi cá, gà, vịt, heo rừng,... Hiện nay, việc sản xuất phát triển tốt, bước đầu mang lại lợi nhuận khá, đầu ra tương đối ổn định. Chỉ với 2 lao động chính, nhờ cần cù, chịu khó và nhạy bén trong làm ăn, ngoài thu nhập từ trồng lúa, anh Hoàng Em còn kiếm hơn 100 triệu đồng/năm nhờ bán các nông sản khác.

Bí thư Đảng ủy xã - Trương Tiến Dũng cho biết: “Hàng năm, xã đều xây dựng những nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp. Theo đó, địa phương tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng công nghệ cao vào trồng lúa, bởi đây là cây trồng chủ lực của địa phương. Mặt khác, huy động các nguồn lực xây dựng trạm bơm điện, gia cố hệ thống đê bao, mở rộng cầu, đường giao thông nông thôn, giúp bảo vệ sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân”.

Tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh

Từ nhu cầu chính đáng của người dân cũng như tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Đồng thời, địa phương chủ động phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm tại các công ty, xí nghiệp, giúp lao động nhàn rỗi ở nông thôn cải thiện thu nhập.

Tận dụng thời gian nhàn rỗi, chị Đoàn Thị Thu Cúc đan các sản phẩm từ lục bình để cải thiện thu nhập

Chị Đoàn Thị Thu Cúc (SN 1970), ngụ ấp 2, bộc bạch: “Trước đây, gia đình chỉ có 3.000m2 đất trồng lúa nên cuộc sống khá chật vật. Vừa làm, vừa dành dụm, vợ chồng tôi mướn thêm 1ha đất để canh tác. Nhờ tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, năng suất, chất lượng lúa không ngừng tăng lên nên bán được giá cao. Những lúc nông nhàn, tôi đan các sản phẩm từ lục bình, kiếm thêm được 80.000-90.000 đồng/ngày”.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, xã khuyến khích người dân phát triển các ngành, nghề thương mại - dịch vụ. Trên địa bàn xã hiện có 5 doanh nghiệp, 147 cơ sở kinh doanh, buôn bán hàng hóa, thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp hoạt động hiệu quả. Các doanh nghiệp và cơ sở này không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và ngoài xã, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Ông Trương Tiến Dũng phấn khởi thông tin thêm: “Hiện nay, 100% lao động trên địa bàn xã có việc làm thường xuyên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng/năm. Năm 2018, xã tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy về thực hiện Đề án xây dựng vùng lúa chất lượng cao; quản lý chặt chẽ lịch thời vụ, chủ động phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất”.

Với những giải pháp phù hợp, Bình Phong Thạnh bước đầu đạt hiệu quả trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hiệu quả vào quá trình xây dựng thị trấn văn minh, hiện đại trong tương lai./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết