Tiếng Việt | English

04/07/2018 - 14:41

Biển xâm thực dữ đội, đề xuất khẩn cấp cứu đê biển Tây

Báo cáo mới nhất về tình hình sạt lở bờ biển, đê biển Đông và biển Tây của hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang gửi Thủ tướng và Bộ NN&PTNT đề xuất ứng cứu khẩn cấp cho thấy mức độ biển xâm thực rất nghiêm trọng.

Nhiều vạt rừng ven biển Tây thuộc xã Khánh Tiến (huyện U Minh) đã bị sóng biển “gặm” gần hết, tiến tới sát đê biển Tây và đe dọa trực tiếp tuyến đê này - Ảnh: Chí Quốc

Mất khoảng 8.870 ha rừng trong 10 năm

Theo báo cáo này, tại Cà Mau trong vòng 10 năm trở lại đây đã có khoảng 8.870ha rừng ven biển bị mất, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển. 

Đê biển Tây có đến 57km, và đê biển Đông có khoảng 48km sạt lở, nhiều đoạn xói lở sâu, nguy cơ phá vỡ đê biển bất cứ lúc nào. 

Tỉnh Kiên Giang cũng có đến trên 71km bờ biển, đê biển Tây bị xâm thực, sạt lở, có nơi mất đến hàng chục mét rừng phòng hộ mỗi năm.

Để kịp thời hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở ven sông, cửa biển, Cà Mau đã đề xuất Thủ tướng bổ sung và tăng vốn hỗ trợ cấp bách ở những khu vực bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng cho tỉnh để đầu tư thực hiện các dự án kè chống sạt lở, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển... 

Tương tự cùng với nhận định việc xâm thực của biển hiện đang có xu hướng ngày càng mạnh hơn, diễn biến phức tạp và đặc biệt nguy hiểm nếu không có những giải pháp kịp thời phòng chống.

Tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị trung ương chi viện cho tỉnh 300 tỉ đồng để khẩn cấp xử lý các điểm sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm.

Quy luật "bên lở bên bồi" không còn như trước

Quy luật "bên lở bên bồi" ở vùng châu thổ Cửu Long đã không còn như trước đây nữa khi mà không chỉ cư dân ven dòng sông Tiền, sông Hậu phải "chạy lở" mà ngay cả hàng vạn cư dân sống ven biển, những cánh rừng đước, mắm thuộc các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang cũng đang bị biển xâm thực.

Sạt lở xảy ra nghiêm trọng, thất thường trên toàn hệ thống ven sông, ven biển, không chỉ bờ biển Đông và cả khu vực biển Tây trong thời gian gần đây đang đẩy vùng ĐBSCL vào thế khó. 

Những cánh rừng đước, mắm bạt ngàn liên tục biến mất, những xóm làng hoang tàn, những cư dân ven biển Tây như: Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, xã Vân Khánh Tây (Kiên Giang) hay Khánh Hải, Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau)... tán gia, bại sản, lần lượt phải bỏ xứ đi làm thuê.

Nhiều đoạn đê và rừng ven biển Tây thuộc xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã bị sóng biển đe dọa, nhiều nhà dân phải di dời - Ảnh: Chí Quốc

Cần có các giải pháp khẩn cấp sử dụng công trình và phi công trình, có thứ tự ưu tiên: bố trí vốn dự phòng khẩn cấp để khắc phục ngay những khu vực sạt lở xung yếu, tổ chức di dời đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng người dân không thể chậm trễ. 

Về lâu dài vấn đề sạt lở ĐBSCL phải được giải quyết, tiếp cận có hệ thống, nguồn lực đầu tư phải được tập trung chứ không thể chia nhỏ làm lẻ mẻ từng công trình, dự án ở từng tỉnh như lâu nay. 

Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, bố trí dân cư, tổ chức sản xuất tại các vùng sạt lở cũng đều phải đặt trong bối cảnh tổng thể vùng đồng bằng, phải tính đến những mục tiêu ứng phó dài hạn, tạo sinh kế cho người dân an toàn.

Đặc biệt, cần khắc phục ngay tình trạng thiếu phối hợp, thừa chồng chéo, yếu kém giữa các địa phương trong các tiểu vùng, trong vùng ĐBSCL mới mong ứng phó các vấn đề nảy sinh trong bối cảnh biến đổi khí hậu./.

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết