Tiếng Việt | English

24/03/2020 - 19:46

Biến hiểm họa thành cơ hội chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao (24-3), Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình chống lao Quốc gia có kế hoạch phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai chiến dịch truyền thông tại cấp Trung ương và địa phương. Qua đó, nâng cao nhận thức về dịch bệnh, kêu gọi sự quan tâm, hành động của cộng đồng để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.


Ngày Thế giới phòng, chống lao nhằm nâng cao nhận thức về dịch bệnh lao toàn cầu và nỗ lực loại trừ bệnh lao

Nâng cao nhận thức về dịch bệnh

Ngày 24/3 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng, chống lao để đánh dấu sự kiện ngày này vào năm 1882 khi Tiến sĩ Robert Koch phát hiện nguyên nhân gây ra bệnh lao, đó là trực khuẩn lao. Ngày Thế giới phòng, chống lao nhằm nâng cao nhận thức về dịch bệnh lao toàn cầu và nỗ lực loại trừ bệnh lao. Năm nay, chiến dịch truyền thông nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao có chủ đề: “Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”.

Đây là hoạt động quan trọng hàng năm hướng đến cam kết chính trị các cấp và hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, đồng thời tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân cũng như cộng đồng về bệnh lao và công tác phòng, chống lao. Hiện nay, số người tử vong do lao còn cao hơn nhiều so với số người tử vong do tai nạn giao thông. Bệnh lao là bệnh lây nhiễm. Tuy nhiên, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Thời gian qua, Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam có nhiều dấu ấn nổi bật, tiêu biểu là sự ra đời của Ủy ban Quốc gia về Chấm dứt bệnh lao do Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam làm Chủ tịch là cam kết chính trị cao nhất từ trước đến nay.

Theo Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An - bác sĩ Lê Văn Bảy, chiến dịch truyền thông được tổ chức nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân chung tay thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW được Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) thông qua. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về bệnh lao và các biện pháp phòng, chống lao; góp phần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc lao; tăng cường công tác dự phòng, chẩn đoán, phát hiện, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người mắc lao.

Tăng cường công tác chẩn đoán và điều trị người mắc bệnh lao

“Biến hiểm họa thành cơ hội”

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các trường học phải tạm cho học sinh nghỉ học và gây ra sự xáo trộn rất lớn trong xã hội, cả về tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh Covid-19 so với bệnh lao khá ít. Mỗi năm, cả nước có đến 174.000 người mắc và 13.000 người tử vong do lao, bao gồm cả lao/HIV. Bệnh lao không chỉ xảy ra ở một vài nơi như TP.HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc mà tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Hiện có 70% người mắc lao trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Có thể nói, đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. 

Chiến dịch truyền thông nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao với chủ đề: “Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030” nêu rõ, từ cuộc chiến chống dịch Covid-19 mọi người hãy cùng chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. Nếu công tác phòng, chống lao nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và cả cộng đồng thì mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện được.

Cũng như các địa phương khác, công tác phòng, chống lao tại Long An luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Bác sĩ Lê Văn Bảy cho biết: “Mạng lưới chống lao được xây dựng hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở, đa số cán bộ trong mạng lưới chống lao đều được tập huấn và có kinh nghiệm trong công tác quản lý và điều trị. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm trong công tác quản lý bệnh nhân được triển khai và sử dụng thành thạo tại tuyến huyện. Có sự phối hợp giữa chương trình chống lao tuyến tỉnh với các đơn vị y tế công - tư, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS, trại giam, trại giáo dưỡng trong công tác phát hiện, sàng lọc và chuyển gửi người nghi lao”.

Tăng cường công tác chăm sóc và điều trị người mắc bệnh lao

Công tác truyền thông thời gian qua cũng được đẩy mạnh. Từ đó, nhận thức người dân về phòng, chống lao không ngừng được nâng cao. Chị N.T.V cho biết: “Nhờ bác sĩ tận tình hướng dẫn nên tôi không chỉ biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân mà còn dự phòng lây nhiễm bệnh cho người khác. Sau thời gian tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, sức khỏe tôi được cải thiện rõ rệt”.

Năm 2020, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, quản lý điều trị và dự phòng bệnh lao. Bệnh viện xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để góp phần đạt chỉ tiêu của Chương trình chống lao Quốc gia, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh lao, giảm tỷ lệ mắc lao kháng thuốc trong tổng số bệnh nhân lao mới phát hiện.

Lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được chữa trị đúng cách. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu. Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay là cơ hội để tất cả mọi người chung tay giúp sức, nâng cao nhận thức về bệnh lao. Đồng thời, kêu gọi sự quan tâm, hành động của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Ngày 04/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao. Ủy ban này được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, có nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các bộ, ban, ngành, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ngoài ra, Việt Nam đã có Chương trình chống lao Quốc gia, với mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc mà nòng cốt là Bệnh viện Phổi Trung ương, có Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB),... Tất cả những điều đó sẽ giúp chương trình đạt được mục tiêu đề ra: Đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết