Tiếng Việt | English

09/10/2018 - 14:20

Bến Lức xứng với danh hiệu anh hùng

Bến Lức nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An nên có điều kiện thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, đô thị. Các nguồn lực xã hội được phát huy, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Giá trị sản xuất công nghiệp ước năm 2018 đạt 73.638 tỉ đồng (chiếm khoảng 32% so với toàn tỉnh), tăng gần 1,7 lần so với năm 2015

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Bí thư Huyện ủy - Trần Hoàng Nhân phấn khởi: “Qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) XI Đảng bộ huyện và các chủ trương, NQ của Tỉnh ủy, Trung ương, Bến Lức đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển KT-XH. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhiều chỉ tiêu hoàn thành trước kế hoạch”. 

Theo đó, tổng giá trị sản xuất (GTSX) năm 2018 (giá so sánh năm 2010) trên địa bàn huyện ước đạt 83.222 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng GTSX bình quân 3 năm là 18,1% (NQĐH là 15%/năm). Cơ cấu GTSX chuyển dịch theo hướng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá, là động lực phát triển kinh tế của huyện. Tốc độ tăng trưởng GTSX bình quân 18,4%/năm (NQĐH là 15%), GTSX công nghiệp ước năm 2018 đạt 73.638 tỉ đồng (chiếm khoảng 32% so với toàn tỉnh), tăng gần 1,7 lần so với năm 2015. Các ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện gồm cơ khí, thức ăn gia súc, dệt may, gỗ, vật liệu xây dựng, điện, nước,...

Kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp (K,CCN) ngày càng hoàn thiện, tỷ lệ lấp đầy các K,CCN đến nay khoảng 66,3%, tăng 8,6% so với cuối năm 2015; thu hút đầu tư trên địa bàn huyện ngày càng tăng về số lượng lẫn quy mô. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện tiếp nhận thêm 549 doanh nghiệp (DN) trong nước với tổng vốn đăng ký 7.756 tỉ đồng và 8 DN đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 122 triệu USD. Đến nay, huyện có 1.529 DN trong nước đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 19.989 tỉ đồng, 96 DN đầu tư nước ngoài đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 1.278 tỉ USD. 

Song hành cùng phát triển công nghiệp, lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng với nhiều loại hình hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống người dân. Tốc độ tăng trưởng GTSX ngành thương mại - dịch vụ ghi nhận bình quân 20,5%/năm (NQĐH là 17%). Trong đó, GTSX ngành thương mại - dịch vụ ước năm 2018 là 8.023 tỉ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 1,7 lần so với năm 2015. 

Các nguồn lực xã hội được phát huy

Bí thư Huyện ủy - Trần Hoàng Nhân cho biết thêm: “Trên địa bàn Bến Lức, việc huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH được quan tâm tập trung, bộ mặt nông thôn lẫn đô thị có nhiều khởi sắc. Từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân”. 

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện theo Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư trung hạn, đến nay, huyện không còn nợ đọng xây dựng cơ bản. Tiến độ triển khai các đường giao thông trọng điểm của huyện như đường An Thạnh - Tân Bửu (giai đoạn 2), đường Trần Thế Sinh, đường Long Bình theo lộ trình đề ra. Huyện tổ chức, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh, Trung ương triển khai, hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn như tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đặc biệt, Đường tỉnh 830 BOT đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Riêng Đường tỉnh 816 và Đường tỉnh 833B đang triển khai thực hiện. 

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Phú - Lê Văn Lộc, qua 3 năm được công nhận xã nông thôn mới, cán bộ và người dân địa phương luôn nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ vững danh hiệu. Đặc biệt, nhiều tuyến đường trên địa bàn được chỉnh trang, làm mới, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, trồng cây xanh. 2 tuyến đường Phước Tú, Thanh Phú - Mỹ Yên được chọn để thực hiện mô hình trật tự - sáng - xanh - sạch đẹp. Đến nay, các tuyến đường này được lắp đặt hệ thống chiếu sáng với kinh phí trên 500 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa; ven đường được trồng hoa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Sắp tới, mô hình này được nhân rộng ra các tuyến đường trong ấp, tạo diện mạo nông thôn tươi mới, khang trang. 

Giá trị sản xuất công nghiệp ước năm 2018 đạt 73.638 tỉ đồng (chiếm khoảng 32% so với toàn tỉnh), tăng gần 1,7 lần so với năm 2015

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay, nhất là rác thải, nhiều cá nhân ở ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Phú thành lập Câu lạc bộ Tình nguyện nhặt rác. Đến nay, phong trào này nhân rộng ra 7/7 ấp, hơn 130 thành viên tham gia đều đặn, giảm thiểu đáng kể tình trạng rác thải ven các tuyến đường. 

Bí thư Huyện ủy - Trần Hoàng Nhân chia sẻ: “Mặc dù trong quá trình thực hiện NQĐH XI Đảng bộ huyện và các chủ trương, NQ của Tỉnh ủy, Bến Lức gặp một số khó khăn, thách thức nhưng những kết quả đã đạt là niềm tin, triển vọng để phấn đấu nhiều hơn nữa trong thời gian tới, xứng với truyền thống anh hùng của địa phương. Bến Lức quyết tâm duy trì và tiếp tục nâng chất đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ sớm đạt kế hoạch, đồng thời tập trung đồng bộ các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu”. 

Cụ thể, Huyện ủy và UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành chuyên môn thực hiện tốt chương trình đột phá của huyện, trong đó tập trung đầu tư thị trấn Bến Lức trở thành đô thị loại III; quan tâm thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Bến Lức tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh, ưu tiên hỗ trợ các DN có tiềm năng phát triển ở các ngành nghề ứng dụng công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết