Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bến Lức hướng dẫn nông dân lấy nước và đo độ mặn
Tại cầu Bến Lức trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn tiếp tục tăng cao và dao động từ 4.0 -11.3g/l. So với cùng kỳ năm 2016, độ mặn tại các nơi cao hơn từ 1.0 - 3.0g/l và so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn từ 3.7 - 10.0g/l. Dự báo, trong thời gian tới, mặn sẽ còn xâm nhập sâu vào nội đồng, khả năng ảnh hưởng đến sản xuất là rất cao.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến diện tích cây trồng ở các xã phía Bắc, huyện Bến Lức triển khai các giải pháp chủ động ứng phó, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Những ngày qua, ông Nguyễn Văn Cư, ngụ ấp 5, xã Bình Đức, thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên sông Vàm Cỏ Đông qua hệ thống loa truyền thanh xã - ấp. Ðể bảo vệ 2,5ha chanh không hạt, ông chủ động cải tạo hệ thống mương vườn, kiểm tra cống bọng để bảo đảm nguồn nước tưới tiêu.
Chanh là loại cây trồng cần lượng nước tưới thường xuyên, nhất là thời điểm đang cho trái. Trước tình hình xâm nhập mặn bất thường như năm nay, ông Cư chủ động lắp đặt gần 500 vòi tưới phun sương để tưới tiết kiệm, nhưng chỉ có thể trữ lượng nước tưới trong thời gian ngắn. Do vậy, ông cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong trường hợp xâm nhập mặn kéo dài.
Tưới phun sương giúp tiết kiệm nguồn nước
Huyện Bến Lức hiện có trên 5.500ha chanh không hạt, tập trung nhiều tại các xã phía Bắc như Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Bình,… Sản lượng thu hoạch mỗi năm hơn 87.400 tấn. Ngoài cây chanh, huyện còn có các loại cây trồng khác mang lại thu nhập ổn định cho nông dân như cây mì, khóm, ổi, thanh long,… với diện tích gần 1.500ha. Vì thế, công tác phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp thời điểm này đang được huyện tiến hành khẩn trương.
Ngoài thông báo thường xuyên kết quả đo độ mặn tại các điểm đo cố định, huyện gia cố, thi công các công trình chống hạn và ngăn mặn từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện. Ngoài ra, các xã tập trung vận động người dân giữ vệ sinh nguồn nước, dọn cỏ, khai thông dòng chảy các tuyến kênh mương thủy lợi nội đồng, dự trữ nước ngọt trong mương vườn trước khi tiến hành đóng cống ngăn mặn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp kết hợp chính quyền các địa phương hướng dẫn kỹ thuật, biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong điều kiện hạn, mặn.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện - Nguyễn Văn Cơ khuyến cáo: “Khi có nguy cơ bị hạn mặn, nông dân cần chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình,… hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ ẩm cho đất. Cắt tỉa cành, tạo tán lá, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước. Củng cố hệ thống đê bao và đê xung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập. Đo độ mặn trước mỗi lần lấy nước, không tưới nước có độ mặn trên 1‰ cho cây.
Trong thời gian nhiễm mặn, chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không khô nứt (kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới). Trong vùng trồng cây ăn trái bị nhiễm mặn thì không tiến hành xử lý ra hoa rải vụ, trái vụ, trồng mới.
Nên có biện pháp che bóng cho cây; tăng cường bón phân hữu cơ, lân và kali, hạn chế sử dụng các phân hóa học khác. Đối với nơi có điều kiện, tiến hành đắp bờ ngăn mặn, tích nước ngọt trong mương vườn để tưới cho cây. Áp dụng tưới tiết kiệm trong vườn cây ăn trái,…”.
Việt Hằng