Tiếng Việt | English

27/11/2020 - 11:35

Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Các tỉnh, thành trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ nguồn nước, môi trường trong khu vực.

Chú trọng tại thượng nguồn

Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong những khu vực phát triển KT-XH quan trọng nhất của cả nước hiện nay cũng như trong tương lai. Lưu vực này gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 7 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu) và các tỉnh: Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng.

Đây là khu vực có vị trí thuận lợi về nhiều mặt, trung tâm và đầu mối giao lưu của các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế, được gắn kết bằng cả đường bộ, đường biển, đường sông và đường hàng không, có vai trò rất quan trọng cho phát triển KT-XH trong vùng cũng như mở rộng các quan hệ kinh tế liên vùng và quốc tế.

Hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn góp phần bảo vệ môi trường

Nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt, cung cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, tưới tiêu nông nghiệp, phát triển thủy điện, nuôi trồng thủy sản, giao thông - vận tải, du lịch sông nước cho vùng lãnh thổ rộng lớn hàng triệu hécta.

Tổng lượng dòng chảy bề mặt của các sông, suối trong hệ thống sông Đồng Nai trung bình hàng năm đổ ra biển trên 36 tỉ m3. Trên lưu vực hiện có 5 hồ chứa nước lớn đang được khai thác, sử dụng cho các công trình thủy điện, thủy lợi và điều tiết lưu lượng dòng chảy ở phía hạ lưu.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển KT-XH và đô thị hóa nhanh chóng của các địa phương trên lưu vực, hệ thống sông Đồng Nai đang đứng trước khả năng ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước của các dòng sông thuộc hệ thống. Nhiều chỉ tiêu môi trường đã vượt tiêu chuẩn cho phép ở mức độ đáng báo động, trong đó nghiêm trọng nhất là ô nhiễm hữu cơ, vi sinh, kim loại nặng và dầu mỡ. Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã và đang bị khai thác quá tải không kiểm soát, giá trị sử dụng suy thoái đáng kể, trong đó lo ngại nhất là rừng đầu nguồn, đất, chất lượng và trữ lượng nước, tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học, sự cố môi trường,... Cảnh quan thiên nhiên vốn đặc trưng cho một vùng sông nước đã bị tàn phá, nhiều nơi bờ sông sạt lở, xói mòn và diễn biến ngày một xấu hơn. Điều đó cho thấy, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách đối với các bộ, ngành và các địa phương.

Trước thực tế trên, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”. Đề án với các mục tiêu, giải pháp cụ thể đã thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ cũng như các địa phương thuộc lưu vực trong việc giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường nước, góp phần hướng tới phát triển bền vững.

Những năm qua, Đắk Nông luôn chú trọng BVMT nguồn nước thượng nguồn sông Đồng Nai. Tỉnh thường xuyên duy trì công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tránh bị ô nhiễm do các hoạt động sinh hoạt, sản xuất gây ra. Theo thông tin của UBND tỉnh Đắk Nông, ý thức được tầm quan trọng của công tác BVMT, đặc biệt là BVMT nguồn nước thượng nguồn của sông Đồng Nai, tỉnh đã giám sát chất thải online đối với Nhà máy Alumin Nhân Cơ và một số dự án lớn có phát sinh nhiều chất thải trên địa bàn tỉnh; hàng năm duy trì thực hiện công tác quan trắc chất lượng môi trường nước mặt nhằm cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường để kịp thời đề xuất các giải pháp xử lý, giám sát việc ô nhiễm.

Để công tác này tiếp tục đạt hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông đề ra một số giải pháp. Tỉnh triển khai hiệu quả kế hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông, các điểm du lịch trên địa bàn. Chủ động thực hiện có hiệu quả phòng ngừa sự cố môi trường từ các nguồn thải lớn; giám sát chặt chẽ các nguồn thải từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ, các bãi rác thải sinh hoạt, các trang trại chăn nuôi, các bệnh viện, trung tâm y tế có ảnh hưởng đến lưu vực sông Đồng Nai bảo đảm theo quy định.

Bên cạnh đó, Đắk Nông tiếp tục đánh giá, cập nhật và quản lý hiệu quả cơ sở dữ liệu về nguồn nước thải trên địa bàn. Mặt khác, tỉnh ưu tiên đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng, sản xuất nhiên liệu sạch, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các dự án theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước cho các lưu vực sông, suối trên lưu vực sông Đồng Nai; chia sẻ thông tin nguồn thải với các tỉnh thuộc lưu vực; xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ nguồn nước với tỉnh lân cận; tổ chức quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, sử dụng ổn định cơ cấu các loại rừng; từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng dân di cư tự do nhằm hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Đồng thời, tỉnh từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển rừng phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương; các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; chính sách hưởng lợi từ rừng để tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân có rừng và đất rừng trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng nhằm thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển kinh tế rừng.

Hiệu quả từ hệ thống quan trắc môi trường

Sông Vàm Cỏ Đông của tỉnh Long An là một nhánh của hệ thống lưu vực sông Đồng Nai. Từ nhiều năm qua, tỉnh luôn chú trọng công tác BVMT trong lưu vực, nhất là nâng cao hiệu quả hệ thống quan trắc môi trường tự động để nâng cao việc giám sát, xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần cùng các địa phương trong lưu vực thực hiện hiệu quả đề án do Chính phủ triển khai.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn thông tin: BVMT luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, nhất là công tác điều tra, xác định các nguồn thải; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT; đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát và hạ tầng kỹ thuật môi trường; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT;...

Hệ thống quan trắc môi trường tự động có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường

Đặc biệt, hệ thống quan trắc môi trường tự động có vai trò quan trọng. Năm 2019, tỉnh đầu tư lắp đặt 3 trạm quan trắc không khí tự động cố định, 3 trạm quan trắc nước mặt tự động cố định, 5 màn hình led hiển thị thông tin số liệu quan trắc tự động và khẩu hiệu về BVMT. Tỉnh đang theo dõi giám sát 33 trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục hệ thống xử lý nước thải của các doanh nghiệp, khu/cụm công nghiệp; 3 trạm quan trắc khí thải tự động, liên tục; sử dụng phần mềm EnviSoft của Tổng cục Môi trường từ đầu năm 2020 và đã truyền số liệu quan trắc tự động, liên tục về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sau một thời gian vận hành hệ thống trạm quan trắc tự động, liên tục đã mang lại những hiệu quả tích cực. Chất lượng môi trường tại những nơi chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động phát triển KT-XH được cải thiện, bảo đảm cho phát triển bền vững KT-XH của địa phương; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác BVMT nói chung, BVMT nước lưu vực sông nói riêng, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các sự cố môi trường. Giám sát liên tục nước thải đầu ra sau hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu, cụm công nghiệp, các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh và các nguồn phát thải khí thải lớn. Kịp thời đưa ra các biện pháp quản lý, xử lý, khắc phục các sự cố liên quan đến xả thải vượt quy chuẩn vào môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh nâng cao ý thức của doanh nghiệp xử lý nước/khí thải, việc giám sát nước/khí thải của các nguồn thải lớn được thực hiện chặt chẽ; tăng cường năng lực cảnh báo và giám sát; cập nhật liên tục cơ sở dữ liệu về hiện trạng môi trường phục vụ lập cơ sở dữ liệu về môi trường, góp phần quan trọng, nâng cao công tác BVMT trên địa bàn tỉnh.

“Để công tác BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đạt hiệu quả hơn nữa, Long An đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện mô-đun tích hợp camera của trạm cơ sở và mô-đun điều khiển máy lấy mẫu tự động; hoàn thiện thuật toán để thống kê truy suất được tỷ lệ nhận dữ liệu trong ngày (hiện tại 2 ngày trở lên); ban hành quy trình bảo mật hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu tại cơ sở (data logger). Các tỉnh, thành trong lưu vực tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh nhằm có giải pháp kịp thời BVMT giữa các địa phương; chia sẻ số liệu quan trắc môi trường tự động các tỉnh nhằm nâng cao công tác BVMT khu vực nói riêng và cả nước nói chung” - ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin thêm./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết