Tiếng Việt | English

02/07/2018 - 19:48

Báo Nhật Bản: Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam cải thiện đáng kể

Theo tờ Asia Nikkei Review, trong tháng 6, các điều kiện kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ ở mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát được bắt đầu tiến hành vào tháng 3/2011.

Dây chuyền hàn khung xe tại Công ty ôtô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Báo Asia Nikkei Review của Nhật Bản ngày 02/7 đăng bài phân tích tình hình sản xuất của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh những điểm nổi bật như số lượng việc làm tăng kỷ lục, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh, ngoài ra yêu cầu về sản lượng tăng cũng dẫn đến tăng đáng kể hoạt động mua sắm.

Theo tờ báo, trong tháng 6, các điều kiện kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ ở mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát được bắt đầu tiến hành vào tháng 3/2011.

Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng nhanh hơn, khi nhu cầu của khách hàng nói chung đã cải thiện. Điều này giúp cho số việc làm tăng kỷ lục và hoạt động mua sắm gia tăng đáng kể. Trong khi đó, cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đều tăng mạnh hơn.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei - một chỉ số tổng hợp phản ánh kết quả hoạt động của ngành sản xuất, đã tăng từ mức 53,9 điểm trong tháng 5 lên 55,7 điểm trong tháng 6. Đây là mức cải thiện đáng kể và chỉ kém mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng 3/2011. Các điều kiện kinh doanh đã cải thiện hơn trong suốt 31 tháng qua.

Các thành viên nhóm khảo sát cho biết số lượng đơn đặt hàng mới tăng và nhu cầu khách hàng mạnh lên là những nhân tố góp phần làm tăng sản lượng.

Cũng giống như bức tranh của sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới cũng đạt tốc độ tăng mạnh nhất trong lịch sử của cuộc khảo sát tính đến nay. Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng liên tục kể từ tháng 12/2015.

Trong tháng 6, số lượng công việc tăng khiến các công ty ở Việt Nam phải tuyển thêm nhân công. Ngoài ra, tốc độ tạo việc làm cũng ghi nhận tốc độ tăng ở mức kỷ lục. Số việc làm tăng cao đã giúp các công ty giảm bớt lượng công việc tồn đọng, mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh.

Cũng trong tháng 6, các nhà sản xuất đã tăng mạnh hoạt động mua hàng hóa đầu vào, với tốc độ tăng nhanh thứ ba trong lịch sử khảo sát PMI tính đến thời điểm này. Điều này đã giúp các công ty tăng lượng dự trữ hàng mua.

Mặt khác, tồn kho hàng thành phẩm đã giảm khi hàng hóa trong kho được dùng để đáp ứng các đơn hàng mới. Giá cả đầu vào tăng mạnh với tốc độ tăng nhanh hơn trong 3 tháng liên tiếp và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát đã gia tăng. Giá dầu tăng cao và tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đã làm tăng gánh nặng chi phí. Nhiều công ty đã nhắc đến tình trạng khan hiếm nguồn cung. Thời gian giao hàng bị kéo dài tháng thứ 17 liên tiếp. Các nhà sản xuất đã khắc phục chi phí đầu vào bằng cách tăng giá cả đầu ra, từ đó kéo dài thời kỳ tăng giá hiện nay 10 tháng. Giá bán hàng cũng đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam, ông Andrew Harker, Phó Giám đốc IHS Markit - công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: “Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có vẻ đang phát triển nhanh ở thời điểm giữa năm 2018, khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới có mức tăng nằm trong số những mức tăng nhanh nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu được tiến hành vào năm 2011. Giai đoạn tăng trưởng hiện nay là cực kỳ tích cực đối với người lao động Việt Nam, khi trong tháng 6, các công ty đang tuyển thêm nhân công với tốc độ kỷ lục.”/.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết