Tiếng Việt | English

15/12/2022 - 14:40

Bảo hiểm nhân thọ giúp cân bằng rủi ro và lợi nhuận

Là một trong ba trụ cột của thị trường tài chính, kênh bảo hiểm giúp người dân phòng vệ và cân bằng giữa lợi nhuận - rủi ro, theo chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh.

Trong Hội thảo "Triển vọng và Dự báo kinh tế 2023" hôm 27/11, chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh đưa ra nhận định nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng tốt, GDP quanh mức 6-6.5%, khác biệt so với bối cảnh chung thế giới. Tuy nhiên, giữa bão lạm phát bao trùm nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. "Chịu áp lực từ lạm phát là có, tuy nhiên, không lâm vào cảnh cao như các nước trên thế giới. Năm 2023 dự báo lạm phát không vượt quá mức 4.5", TS. Đình Ánh cho biết.

Bên cạnh trái phiếu, chứng khoán, bảo hiểm là một trong ba kênh đầu tư quan trọng của thị trường tài chính. Trong bối cảnh nền kinh tế không ngừng biến động, nhu cầu bảo vệ sức khỏe và giáo dục gia tăng cộng hưởng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu, kênh bảo hiểm ngày càng mở rộng dư địa phát triển. Theo đó, việc tham gia bảo hiểm sẽ giúp khách hàng bảo vệ tải sản và cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro.

Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh

Cụ thể, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam kéo theo nhu cầu đa dạng hóa kênh phân phối tài chính. Số lượng và quy mô tài sản của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam không ngừng gia tăng do sự chuyển dịch trong cơ cấu ngành nghề từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Tham gia bảo hiểm sẽ giúp nhóm khách hàng này có thêm lựa chọn trong việc phân bố tài sản và kênh đầu tư trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Hiện, thị trường trái phiếu bị ảnh hưởng do sự lung lay niềm tin, chứng khoán liên tục giảm điểm, nhà đầu tư ngày càng nâng cao cảnh giác và mong muốn tìm kiếm kênh đầu tư an toàn, phòng ngừa rủi ro. Lựa chọn bảo hiểm là kênh đầu tư tài chính có thể giúp họ giải bài toán giữ tiền ở đâu để vừa an toàn, kỷ luật và có khả năng sinh lời trong dài hạn. Nhà đầu tư sẽ có xu hướng cân nhắc việc đầu tư và làm việc với các tổ chức chuyên nghiệp hơn là tự đầu tư để "bắt đáy" hay "đu đỉnh" của thị trường.

Bên cạnh đó, TS. Vũ Đình Ánh cũng phân tích cơ hội tăng trưởng của kênh bảo hiểm dựa trên yếu tố tăng rủi ro cho chi phí giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Giáo dục và chăm sóc sức khỏe là hai ngành đặc thù, với chi phí người dân không thể "mặc cả" và luôn "buộc phải chi". Do đó, nhu cầu về bảo hiểm sức khỏe và các khoản dự phòng cho giáo dục sẽ tiếp tục tăng cao.

Hiện, 43% chi phí khám chữa bệnh đang được trả bằng tiền túi của người dân phản ánh nhu cầu bảo vệ sức khỏe không ngừng gia tăng. Ngoài ra, chi phí y tế tư nhân tại Việt Nam cũng đang đắt gấp 2-2.4 lần so với chi phí y tế điều trị ở các nước phát triển so với thu nhập bình quân. Đồng thời, chi phí giáo dục chiếm 17-21% tổng chi phí nuôi con, nhu cầu học trường tư và du học gia tăng.

Từ đó, ông Vũ Đình Ánh đưa ra nhận định, khách hàng cần có sự chuẩn bị các nguồn dự phòng, bổ sung thiếu hụt bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro về sức khỏe cũng như chuẩn bị quỹ học vấn cho con cái.

Tham gia bảo hiểm nhân thọ là phương án giúp cân bằng rủi ro và lợi nhuận

Việc tham gia bảo hiểm giúp người dân bảo vệ trước biến động khi dịch vụ y tế, giáo dục đột ngột tăng giá. Đây cũng là kênh đầu tư được đánh giá an toàn so với chứng khoán hay trái phiếu khi có thể cân bằng tốt giữa lợi nhuận và rủi ro. Các công ty bảo hiểm hiện nay cũng đang không ngừng đẩy mạnh việc chuyên nghiệp hóa khi không bị mâu thuẫn lợi ích khi được lựa chọn ủy thác đầu tư. Đặc biệt, khi Luật Đầu tư Kinh doanh bảo hiểm có đầu tư từ 01/01/2023, ngành bảo hiểm càng có cơ hội rộng đường phát triển./.

Hồng Thảo

Chia sẻ bài viết