Tiếng Việt | English

20/12/2020 - 20:06

Báo Đức đánh giá cao nỗ lực ứng phó khủng hoảng kinh tế của Việt Nam

Cơ quan Thương mại và Đầu tư Đức (GTAI) cho biết nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đạt được nhờ nhu cầu trong nước và mức đầu tư cao của chính phủ.


Công dân từ Đức trở về tại điểm cách ly tập trung ở Hưng Yên. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tờ Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức vừa có bài viết đánh giá cuộc sống ở Việt Nam đã hầu như trở lại bình thường. trong khi kinh tế đạt tăng trưởng dương chủ yếu do nhu cầu trong nước và mức đầu tư cao của chính phủ.

Theo bài báo, trong khi Mỹ thông báo số ca nhiễm mới cũng như tử vong ở mức cao kỷ lục mỗi ngày hay các nước Liên minh châu Âu (EU) phải áp đặt nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, người dân Việt Nam vui mừng trở lại cuộc sống bình thường.

Thành phố Hồ Chí Minh đã mời chào khách du lịch của cả nước, trong khi Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh hồi tuần trước cũng đã trình diễn vở vũ kịch "Kẹp hạt dẻ" của Tchaikovsky để mở màn cho chương trình mùa Đông. Khách vào rạp được đo thân nhiệt và được yêu cầu khử trùng tay và đeo khẩu trang.

Bài báo dẫn lời một giáo viên từ Việt Nam cho biết cuộc sống từ lâu đã trở lại bình thường, không còn những hạn chế, dù người dân ở Hà Nội vẫn cần đeo khẩu khẩu trang khi vào các trung tâm mua sắm, bến xe, phương tiện giao thông công cộng và ở những nơi có nhiều người trong không gian hẹp.

Báo trên nhận định, về mặt kinh tế, Việt Nam cũng ứng phó tốt hơn với khủng hoảng so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

[Bao Duc danh gia cao no luc ung pho khung hoang kinh te cua Viet Nam hinh anh 2] Bài báo ca ngợi thành tích chống dịch của Việt Nam trên tờ Junge Welt

Bài báo dẫn thông tin của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Đức (GTAI) cho biết nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương 2,1% tính theo giá trị thực trong ba quý đầu năm so với cùng kỳ năm trước và tăng trưởng chủ yếu đạt được nhờ nhu cầu trong nước và mức đầu tư cao của chính phủ.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp giày và dệt may của Việt Nam, vốn gặp khó khăn do các lệnh phong tỏa ở EU và Mỹ, đã lấy lại được vị thế với số liệu xuất khẩu mạnh trong năm 2020 và dự kiến sẽ có thêm nhiều đơn đặt hàng trong năm 2021.

Trong khi đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam muốn đẩy mạnh trở lại mô hình kinh tế hợp tác, khuyến nghị các công ty vừa và nhỏ cung cấp các thiết bị và linh kiện cho các công ty nước ngoài như một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tương lai, các công ty nên đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm và thiết lập quan hệ kinh doanh với các công ty và các ngành khác nhau nhằm giúp giảm thiểu nguy cơ rơi vào khủng hoảng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết