Tiếng Việt | English

07/05/2018 - 10:15

Bảo đảm an toàn lao động - Không được chủ quan, lơ là

Các cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ, người lao động (NLĐ) không được chủ quan, người sử dụng LĐ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn lao động (ATLĐ) nhằm tránh những hệ lụy đau lòng do tai nạn lao động (TNLĐ) gây ra.

Chưa nâng cao ý thức sử dụng phương tiện bảo hộ lao động

Nhiều NLĐ còn chủ quan, không sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động (BHLĐ) trong quá trình làm việc hoặc có sử dụng cũng chỉ mang tính đối phó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ TNLĐ thương tâm xảy ra, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.

“Chủ đầu tư, nhà thầu có trang bị BHLĐ cho công nhân (CN) và yêu cầu phải sử dụng khi xây dựng công trình nhưng tôi ít khi dùng. Biết sử dụng đồ bảo hộ nhằm bảo vệ bản thân nhưng tôi thấy rất nóng nực, phiền phức. Hơn nữa, công trình làm đường giao thông ít nguy hiểm. Nhà thầu nhiều lần nhắc nhở nhưng chúng tôi không sử dụng thường xuyên nên chẳng nhắc nữa” - CN Nguyễn Văn Toàn, đang làm tại công trình Đường tỉnh 825, chia sẻ.

Mang bảo hộ lao động giúp người lao động bảo vệ bản thân Ảnh: Lực Nguyễn

Theo đại diện đơn vị thi công tuyến Đường tỉnh 825, khi thi công công trình, đơn vị chuẩn bị đầy đủ phương tiện BHLĐ như quần, áo, găng tay, nón, ủng,... cho tất cả CN và yêu cầu sử dụng khi làm việc. Nhưng CN dùng được vài ngày lại bỏ vì cho rằng nóng nực, phiền phức. Đơn vị nhắc nhở nhiều lần nhưng họ vẫn không chịu sử dụng nên đành “làm ngơ” cho qua.

Tại công trình khối Y tế dự phòng huyện Cần Đước, nhiều CN không sử dụng phương tiện BHLĐ với lý do: Không quen, nóng và cảm thấy không cần thiết. Anh Đặng Minh Thanh (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), làm tại công trình này thừa nhận: “Nhà thầu và chủ đầu tư trang bị đầy đủ, yêu cầu sử dụng BHLĐ khi làm việc. Lúc thi công phần tòa nhà, chúng tôi sử dụng nhưng bây giờ chỉ đổ bêtông làm sân và các khâu phụ nên ít dùng. Mang BHLĐ nặng nề, không thoải mái khi làm việc”.

Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Hữu Phúc (đơn vị thi công dự án khối Y tế dự phòng huyện Cần Đước) - Nguyễn Văn Nhanh chia sẻ: “ATLĐ luôn được chúng tôi quan tâm hàng đầu. Ngoài trang bị đầy đủ phương tiện BHLĐ, đơn vị còn hướng dẫn cách sử dụng, yêu cầu tất cả CN chú ý an toàn trong quá trình LĐ. Nhưng dường như, NLĐ chỉ miễn cưỡng sử dụng. Đơn vị sẽ nhắc nhở và yêu cầu CN thực hiện nghiêm túc hơn”.

An toàn lao động là yêu cầu quan trọng đầu tiên, phải tuân thủ nghiêm ngặt

Đại diện đơn vị thi công dự án Đầu tư, tăng cường năng lực đo lường, thực nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ quản lý nhà nước tỉnh Long An - Trương Đình Nguyên cho biết: “ATLĐ là yêu cầu quan trọng đầu tiên, phải tuân thủ nghiêm ngặt. Công ty trang bị đầy đủ BHLĐ cho CN, hướng dẫn cách sử dụng, tập huấn về phòng, tránh TNLĐ trên công trường và luôn theo dõi, nhắc nhở CN thực hiện nghiêm túc vấn đề này. Tùy theo vị trí, tính chất công việc, chúng tôi trang bị BHLĐ theo quy định. Những người không mang bảo hộ, đơn vị yêu cầu rời khỏi công trường và khi nào thực hiện đầy đủ thì quay lại làm việc. CN làm việc trong môi trường này không được chủ quan, lơ là. Các thiết bị, dụng cụ sau khi làm xong phải vệ sinh sạch sẽ, để đúng vị trí quy định, tránh gây ra tình trạng thiếu an toàn”.

Tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép ATAD (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa), ATLĐ là ưu tiên hàng đầu. Chủ tịch Công đoàn Công ty - Phạm Nguyên Phi cho biết: “Mặt hàng sản xuất chính của công ty là các sản phẩm từ thép nên công việc nguy hiểm, nặng nhọc. NLĐ khi vào làm việc tại đây được đào tạo về chuyên môn, tập huấn phòng, tránh TNLĐ. Công ty trang bị BHLĐ theo yêu cầu, tính chất công việc nhằm bảo đảm ATLĐ và thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, NLĐ sử dụng. Đối với từng khâu, từng bộ phận, công ty trang bị BHLĐ và có những quy định cụ thể để thực hiện. Những CN không mang BHLĐ theo yêu cầu của công ty sẽ không được vào làm việc, có chế tài cụ thể để thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, đơn vị phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức các đợt tập huấn về ATLĐ để cán bộ, NLĐ rút kinh nghiệm và áp dụng vào thực tế trong quá trình làm việc”.

Nhiều công nhân không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động dù được trang bị đầy đủ

Phải bảo đảm an toàn

Thông tin từ Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, theo từng dự án, tính chất công việc do ban làm chủ đầu tư, ban yêu cầu, kiểm tra, nhắc nhở các nhà thầu thi công công trình bảo đảm ATLĐ cho CN. Khi ký hợp đồng có những điều ràng buộc cụ thể về vấn đề ATLĐ để nhà thầu tuân thủ nghiêm túc, nhằm phòng, tránh và hạn chế đến mức thấp nhất các tai nạn liên quan.

Giám đốc Sở LĐ - Thương binh và Xã hội - Phạm Văn Bốn cho biết: “Thời gian qua, TNLĐ xảy ra do sự chủ quan, thiếu ý thức của đơn vị sử dụng LĐ, NLĐ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa giám sát, kiểm tra chặt chẽ vấn đề này. Vì vậy, sở tăng cường phối hợp các sở, ngành liên quan, địa phương thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến đơn vị sử dụng LĐ, NLĐ; tổ chức tập huấn công tác phòng, tránh TNLĐ; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện ATLĐ tại các công ty, doanh nghiệp hoạt động. Nếu phát hiện có sự buông lỏng, ngành nhắc nhở và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời nhằm bảo đảm ATLĐ, tránh những hệ lụy đáng tiếc. Sở tham mưu UBND tỉnh các giải pháp cụ thể, giao trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc bảo đảm ATLĐ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu đơn vị sử dụng LĐ tuân thủ nghiêm các quy định của Luật An toàn vệ sinh LĐ và phải nhắc nhở NLĐ trong đơn vị thực hiện”.

Tại các công trình dân dụng, an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu

Bảo đảm ATLĐ là trách nhiệm không của riêng ai. Các đơn vị sử dụng LĐ, NLĐ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh LĐ, không được chủ quan, lơ là trong quá trình làm việc. Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử phạt nhằm nâng cao ý thức của đơn vị sử dụng LĐ và NLĐ về bảo đảm ATLĐ./.

Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 311 vụ TNLĐ làm chết 15 người, 8 người bị thương nặng và 288 người bị thương nhẹ. Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh chưa ghi nhận vụ TNLĐ nào. Đoàn liên ngành đang tiến hành kiểm tra 20 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 5/2018, tỉnh tổ chức thêm một đoàn liên ngành khác kiểm tra về vấn đề an toàn vệ sinh LĐ. Trong quá trình kiểm tra, đoàn kết hợp phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh LĐ cho đơn vị sử dụng LĐ, NLĐ và nhắc nhở, xử lý nếu có vi phạm về vấn đề này.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết