Mỗi nhà báo phải tự làm mới mình
Nhà báo phải chịu rất nhiều áp lực. Trước hết là áp lực thời gian. Báo chí là sản phẩm mang tính thời sự, gắn liền với dòng chảy sự kiện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trước tốc độ nhanh, nhạy của các trang báo điện tử, mạng xã hội hiện nay, các tờ báo phải cạnh tranh từng phút để bảo đảm tin nóng, tin độc quyền. Phát hiện vấn đề nhanh, tác nghiệp nhanh, tốt thì nhà báo mới vượt qua được áp lực thời gian.
Áp lực của thời công nghệ số đòi hỏi mỗi nhà báo không ngừng học hỏi, đổi mới để đáp ứng yêu cầu của công chúng
Báo chí phải cạnh tranh nên áp lực của nhà báo, của tòa soạn cũng ngày càng tăng. Làm sao để có tin, bài hay, hấp dẫn và kịp thời luôn là vấn đề đặt ra với người làm báo. Tuy nhiên, những thông tin đó phải thật khách quan, chính xác, tuyệt đối không được đưa tin kiểu bịa đặt, giật “tít” câu view,... Những diễn biến trong đời sống thực tiễn, của nhịp sống công nghệ hiện nay, nhất là khi mạng xã hội cũng được coi là kênh thông tin hấp dẫn, nhanh nhạy,... thì càng khiến cho áp lực của mỗi nhà báo trở nên lớn hơn.
Báo chí hiện nay đang thay đổi từng ngày, đã và đang phát triển sản phẩm đa phương tiện. Các loại hình báo chí phải được cập nhật có các phiên bản thiết bị công nghệ hiện đại như máy tính bảng, điện thoại di động,... Thậm chí, các phiên bản điện thoại di động phải thay đổi liên tục nhằm bắt kịp xu thế hiện đại.
Thời đại làm báo, cập nhật tin tức trên điện thoại di động đang dần đáp ứng nhu cầu bạn đọc về sự tiện lợi, nhanh chóng. Vì vậy, người làm báo phải làm quen dần với cách làm báo di động. Đó là một thách thức, áp lực đòi hỏi người làm báo phải không ngừng học hỏi để đáp ứng yêu cầu của tòa soạn, của bạn đọc.
Thay đổi để đáp ứng yêu cầu của xã hội
Hiện nay, mạng xã hội cũng như một “tòa soạn” và mỗi người dùng Facebook, Zalo giống như một nhà báo không chuyên. Nếu không bắt kịp xu thế của xã hội hiện đại, báo chí có nguy cơ tụt hậu, đi sau mạng xã hội. Trong khi đó, mạng xã hội như “con dao hai lưỡi” bởi thông tin thật, giả lẫn lộn, gây hoang mang, lo lắng cho độc giả. Trong trường hợp này, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí phải nhanh chóng phản ánh sự việc nhằm định hướng dư luận.
Áp lực của thời công nghệ số đòi hỏi mỗi nhà báo không ngừng học hỏi, đổi mới để đáp ứng yêu cầu của công chúng
Phóng viên Lê Hải Phong, công tác tại Phòng Kinh tế và Văn hóa - Xã hội Báo Long An, cho biết: “Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, báo chí khó “chạy đua” thông tin với mạng xã hội. Tuy nhiên, dù thông tin trên mạng xã hội có phong phú thì độc giả vẫn nên tiếp cận thông tin từ các tờ báo chính thống để kiểm chứng nguồn tin. Trước sự phát triển của mạng xã hội, báo điện tử phải cải tiến mạnh mẽ hình thức, đưa tin nhanh nhạy, chính xác để định hướng dư luận. Những người làm báo cũng cần trang bị kiến thức sâu, rộng trên nhiều lĩnh vực, trang bị phương tiện tác nghiệp hiện đại để làm ra những sản phẩm báo chí đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc”.
Để nâng cao chất lượng của hoạt động báo chí, đủ sức vượt qua những thách thức như hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người làm báo cần được quan tâm, chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần xây dựng nền báo chí hiện đại, chất lượng cao. Bên cạnh đó, áp lực của thời kỳ công nghệ số đòi hỏi các tòa soạn, nhà báo phải không ngừng học hỏi, đổi mới để cho ra đời những tác phẩm báo chí đa phương tiện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và xứng đáng với niềm tin của độc giả./.
Hùng Anh