Tiếng Việt | English

18/06/2020 - 14:07

Báo chí đa phương tiện - gợi mở nhiều giác quan cho bạn đọc

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc ứng dụng đa phương tiện (ĐPT) trong báo chí truyền thông đang ngày càng phổ biến. Người làm báo dần thay đổi tư duy, cách tiếp cận thông tin, tận dụng tối đa các ưu thế của công nghệ để tạo ra tác phẩm báo chí chân thật, sinh động, mang lại cho độc giả nhiều trải nghiệm.


Người làm báo dần thay đổi tư duy, cách tiếp cận thông tin, tận dụng tối đa các ưu thế của công nghệ để tạo ra tác phẩm báo chí chân thật, sinh động nhất

Thích nghi với xu thế

Không chấp nhận bản thân “giậm chân tại chỗ”, nhiều phóng viên (PV) mạnh dạn chuyển từ làm báo in sang báo điện tử (BĐT). Theo PV Trung Thanh - Báo Phụ Nữ TP.HCM, anh phải thay đổi “360 độ” để thích nghi với môi trường BĐT. Anh là PV thuộc thế hệ 7X, làm việc nhiều năm tại Báo Người Lao Động, năm 2009, chuyển sang Báo VietNamNet - một trong những trang BĐT “đình đám” nhất lúc bấy giờ. Được biết, Báo Phụ Nữ TP.HCM là cơ quan thứ 4 anh công tác.

PV Trung Thanh chia sẻ: “Năm 2009, tôi chưa biết gì về làm BĐT nên cũng lo ngại, không biết chuyển sang môi trường mới có thích nghi được không. Do đó, tôi học hỏi mỗi ngày để quen với công việc tại Báo VietNamNet. Nếu như trước đây, tác phẩm báo in truyền tải thông tin qua chữ viết và hình ảnh thì báo chí ĐPT còn có thêm video, audio, infographic,… Hiện tại, việc tận dụng tối đa tính năng của các thiết bị công nghệ vào quá trình làm báo giúp PV mang đến cho người đọc những sản phẩm tốt nhất. Song, làm báo ĐPT đòi hỏi PV tự lập cao”.

Tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn - Trường Đại học Cần Thơ, gắn bó với “nghiệp” làm báo ngót nghét hơn 10 năm, PV Hoàng Nam đang công tác tại Báo VnExpress trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau. Từ năm 2009-2013, anh làm việc tại Báo Long An; năm 2013-2016, công tác tại Báo Pháp Luật TP.HCM; năm 2016 đến nay thì gắn bó với Báo VnExpress. Theo PV Hoàng Nam, mỗi cơ quan báo chí có đặc thù riêng, mỗi loại hình báo chí cũng có thế mạnh riêng. Trong quá trình làm việc, người làm báo phải không ngừng nỗ lực hoàn thiện mình để thích nghi với môi trường báo chí hiện đại. 

PV Hoàng Nam chia sẻ: “Từ báo in chuyển sang báo mạng, tôi phải học hỏi rất nhiều. Nếu như trong 7 năm gắn bó với báo in, tôi chủ yếu chỉ viết tin, bài thời sự thì với môi trường làm báo hiện đại, tôi phải trang bị thêm nhiều kỹ năng như quay phim, biên tập video, phóng sự ảnh, bài longform, bài bình luận, phân tích,…”.

Đứng trước sự phát triển của báo chí ĐPT, những người làm báo địa phương cũng không ngừng “làm mới” mình để bắt kịp xu thế. PV Thanh Nga - Báo Long An, tâm sự: “Trong thời đại công nghệ 4.0, làm báo ĐPT rất cần thiết và phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, đây sẽ là một cách tiếp cận khá khó khăn đối với những người làm báo kiểu cũ vì vừa viết, vừa chụp ảnh, quay video thì áp lực tăng lên rất lớn, đòi hỏi PV phải đa năng. Môi trường báo chí tương lai giống như một siêu thị, có nhiều sản phẩm khác nhau và bạn đọc là người tiêu dùng với những nhu cầu khác nhau. Điển hình, những bà nội trợ không có thời gian thì họ muốn vừa nghe tin, vừa làm việc nhà; những người lười đọc thì thích xem hình ảnh, video. Bản thân tôi chỉ vừa tiếp cận làm báo ĐPT, vì vậy, để làm tốt hơn nhiệm vụ trong thời đại 4.0, tôi buộc phải thay đổi từng ngày. Cụ thể, trước ngày thực hiện tác phẩm ĐPT, tôi phải lên ý tưởng, chuẩn bị nội dung kịch bản. Mỗi sản phẩm làm được, tôi đều nhờ đồng nghiệp xem để góp ý về khung hình, góc quay, cách phỏng vấn nhân vật,…”.

Theo phóng viên Thanh Nga, Báo Long An, trong thời đại công nghệ 4.0, làm báo đa phương tiện rất cần thiết và phù hợp với xu thế (Trong ảnh: Phóng viên Thanh Nga (bên trái) và Hoa hậu H’Hen Niê chụp ảnh lưu niệm trong chuyến công tác tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ)

“Kéo” độc giả

Ngày nay, sự ra đời của hàng loạt trang báo mạng cũng là một thách thức rất lớn đối với báo in và bản thân người làm báo. Tùy theo người đọc báo mạng trên ứng dụng điện thoại hay máy tính, ngoài việc đầu tư hình ảnh chỉn chu thì kích cỡ ảnh cũng phải phù hợp với từng công cụ. Ví dụ, ảnh dung lượng quá lớn thì chắc chắn sẽ không phù hợp với bạn đọc dùng điện thoại.

“Theo quy luật tự nhiên của mắt, chúng ta sẽ nhận diện hình ảnh trước, sau đó đến chữ. Hình ảnh có bắt mắt, lột tả chân thật và có nói lên nội dung câu chuyện thì mới thu hút độc giả. Một bức ảnh người dân đi bộ băng qua lòng hồ khô nứt nẻ hay những chiếc xuồng giăng lưới nằm chỏng chơ giữa lòng hồ cạn nước sẽ cuốn hút hơn một bức ảnh chung chung khi miêu tả hồ trữ nước lớn nhất miền Tây cạn trơ đáy trong mùa hạn, mặn. Sau hình ảnh, chú thích ảnh cũng là một yếu tố quan trọng. Chú thích ảnh như một tóm tắt cho câu chuyện lớn, không thể quá dài nhưng cũng không nên quá sơ sài vì nó giúp độc giả nắm bắt được thông điệp chính khi tiếp cận bức ảnh. Với tôi, PV đóng vai trò như người kể chuyện. Thông qua lời kể của những người chứng kiến sự việc và sự quan sát của bản thân, PV tạo ra một câu chuyện liền mạch bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Mục đích cuối cùng của người làm báo chính là mang đến cho người đọc nhiều trải nghiệm chân thật nhất, gợi mở càng nhiều giác quan càng tốt” - PV Hoàng Nam cho biết thêm.

Theo PV Trung Thanh, bên cạnh việc đáp ứng nhanh thông tin cho bạn đọc, BĐT làm được nhiều việc mà trước đây báo in không thể làm. Điển hình, ở tác phẩm báo in thì PV không biết được bài viết của mình đã tác động đến công chúng như thế nào nhưng với BĐT thì hoàn toàn có thể biết dễ dàng thông qua lượt xem, bình luận, chia sẻ. Việc giúp bạn đọc tương tác với bài viết, với mọi người cũng là một trong những ưu thế giúp BĐT “giữ chân” họ. 

Nếu tác phẩm báo chí được ví như “món ăn” tinh thần cho độc giả thì mỗi PV chính là một “đầu bếp”. Để tạo ra “món ăn” ngon, hấp dẫn, đòi hỏi PV phải không ngừng thay đổi tư duy, cách làm báo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết