Tiếng Việt | English

10/02/2021 - 20:28

Bánh tét Trà Cuôn với mâm cơm ngày Tết

Bánh tét là một trong những món ăn đặc sản ngày tết truyền thống của người dân Nam bộ. Ngày nay khi bánh Tây, bánh quy đủ loại tràn ngập thị trường thì bánh tét vẫn không thể thiếu trong đời sống của người dân, đặc biệt là khi Tết đến xuân về.

Trước đây, ở Nam bộ, nhà nào cũng gói bánh tét khi Tết đến. Còn bây giờ, trong nhịp sống khẩn trương thời hiện đại, nhiều gia đình không còn tự gói bánh tét nữa, thay vào đó là những điểm gói bánh tét dịch vụ. Điểm gói bánh vụ Tết thì nhiều, nhưng làng nghề chuyên gói bánh tét quanh năm thì đếm trên đầu ngón tay. Riêng làng nghề bánh tét Trà Cuôn thuộc xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh làm việc quanh năm, nhưng vụ lớn nhất vẫn là những ngày giáp Tết.

Bánh tét Trà Cuôn.

Trà Cuôn có nguồn gốc từ tiếng Khmer là tro-kuôn (có nghĩa là rau muống), làng nghề này nằm cách trung tâm thành phố Trà Vinh hơn chục km theo hướng quốc lộ 53 đi huyện Duyên Hải và khu du lịch biển Ba Động.

Người dân nơi đây kể lại người làm bánh tét Trà Cuôn đầu tiên là bà má người Khmer nghèo, tên là Thạch Thị Lết ở xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang. Nhà bà nghèo, đông con quanh năm xoay sở đủ nghề để mưu sinh mà vẫn chật vật. Một ngày, bà nghĩ đến nồi đòn bánh tét của ông bà xưa để vài ngày vẫn thơm ngon; vậy nếu gói bán có ế thì có thể dùng thay cơm.

Từ những suy nghĩ chân chất này mà cả 12 người con của bà lớn khôn, sống khấm khá tới bây giờ. Bà Thạch Thi Vui, chủ cơ sở bánh tét Cô Vui – một trong ba người con của bà Thạch Thị Lết đang tiếp nối nghề truyền thống của gia đình cho biết, ngày xưa bánh chỉ được làm từ nguyên liệu nếp sáp, đậu xanh và mỡ, nay nguyên liệu phong phú hơn nhưng hương vị vẫn như cũ.

Bà Thạch Thi Vui chia sẻ: “Ngày xưa nguyên liệu bánh chỉ có nếp và mỡ, nay theo thị hiếu của khách hàng có thêm thịt ba rọi, lòng đỏ hột vịt muối và có nhiều người hơn. Trước khi số lượng cũng ít, nồi bánh 40 - 50 đòn bán 4 - 5 ngày mới hết. Còn hiện nay ngày thường thì từ 200, hơn 200 đòn. Riêng tết một ngày 2 - 3 ngàn đòn”.

Nguyên liệu bánh tét 3 màu, gói trong lá chuối.

Bánh tét Trà Cuôn không giống bánh những nơi khác, nó đặc biệt ở chỗ từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến cách gói và cách luộc bánh. Bánh được gói bằng loại nếp sáp, đậu xanh nấu nhiễm và thịt mỡ, ba rọi ướp thơm. Bánh tét thường thì có màu trắng của nếp, cho thêm lá cẩm thì bánh có màu tím, cho vào nước cốt gấc thì bánh có màu đỏ, còn cho vào nước cốt bồ ngót già thì bánh có màu xanh rất tự nhiên. Nguyên liệu từ thiên nhiên này còn tạo ra mùi thơm rất đặc trưng và tươi bắt mắt.

Ông Nguyễn Ngọc Thảo, chủ cơ sở bánh tét Anh Thư cho biết: “Hồi xưa bánh tét nhỏ thôi, nay phát triển thêm, gói to hơn. Điều khác nhau nữa là bánh ngày xưa chỉ có nếp đậu xanh và mỡ, bây giờ bánh có thịt, có trứng muối. Đặc biệt bây giờ có thêm bánh tét 3 màu làm từ trái gấc, lá cẩm và lá bồ ngót”.

Lòng đỏ trứng muối - nguyên liệu quan trọng của bánh tét Trà Cuôn.

Làm bánh tét là đòi hỏi sự tỉ mỉ và cần mẫn của người thợ trong từng công đoạn. Để có được đòn bánh tét ngon đến tay người tiêu dùng, thợ làm bánh trải qua nhiều giai đoạn cầu kì, như một nghệ nhân đi tìm những gì tinh túy nhất và sự tâm huyết của họ. Vì thế bánh tét Trà Cuôn nổi tiếng nhờ sự thơm ngon riêng biệt, không thể nhầm lẫn với bánh từ nơi khác.

Có lẽ bí quyết là ở khâu gói bánh, người gói phải cột bánh vừa đủ. Nếu quá chặt thì lớp mỡ bên trong sẽ không chín đều và tỏa hết vị béo ra bên ngoài. Còn cột quá lỏng thì nước thấm vào, bánh không ngon, mau thiu. Với kinh nghiệm làm nghề của người thợ ở đây, đã giúp bánh tét Trà Cuôn danh tiếng không chỉ ngon mà còn giữ được từ 5-7 ngày trong điều kiện tự nhiên mặc dù không có sự can thiệp của chất bảo quản. 

Khâu làm nhân bánh.

Anh Kim Hoà Nhã, một người thợ có hơn chục năm gói bánh tét chia sẻ: “Ban đầu cũng canh giữ lắm, cũng cực nhưng quen rồi không cần canh nữa, cứ cột đều đều. Bánh cột chặt quá thì không dẻo, cột lỏng thì nước thấm vào, không ngon, mau thiu. Còn nấu thì 8 giờ liền tính từ khi nước sôi; trước khi vớt ra phải mở nắp nồi nửa tiếng, bánh mới dẻo”.

Hiện làng nghề bánh tét Trà Cuôn có 7 cơ sở sản xuất, với 20 gia đình làm nghề. Mỗi cơ sở tạo được việc làm quanh năm cho 7 đến 10 thợ chuyên nghiệp. Riêng vào dịp Tết thì nơi đây sôi động khác thường. Một thợ ngày thường có thu nhập từ 180 - 250 ngàn đồng, nhưng ngày Tết thì cao gấp 2 đến 4 lần.

Chính sự tâm huyết của những người con làng nghề đã chấp cánh cho thương hiệu bánh tét Trà Cuôn vươn xa, được nhiều người biết đến.

Bà Mai Thị Hoàng Loan, chủ cơ sở bánh tét Ba Loan chia sẻ về bí quyết làm nên danh tiếng của bánh tét Trà Cuôn:  “Thứ nhất là luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm bán cho khách ăn, mình phải xem như dành cho gia đình ăn. Phải đặt chữ tâm lên hàng đầu, mình ăn được thì khách mới ăn được nên tất cả các khâu phải làm tốt nhất có thể”.

Mỗi dịp năm hết Tết đến, bánh tét là thứ không thể thiếu trong các gia đình người Nam bộ, theo tập tục riêng của vùng miền. Có khách đến chơi, gia chủ chỉ cần cắt những khoanh bánh thơm lừng như tấm lòng của người dân quê thôn dã, thêm dĩa dưa giá, tôm khô củ kiệu và tô thịt kho tàu là đủ xôm tụ cho một mâm cơm tết. Bánh tét Trà Cuôn theo đó cũng có điều kiện vươn xa tới mọi vùng quê, dâng cho đời chút hương sắc đồng bằng và mùi vị đậm đà của tết phương Nam./.

Bánh tét trước khi mang đi luộc.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết