Tiếng Việt | English

18/04/2017 - 11:18

Chung tay vì sự tiến bộ của thanh niên chậm tiến

Bài 2: Rèn luyện đạo đức, lối sống thanh, thiếu niên - Nhiệm vụ của toàn xã hội

Việc rèn luyện đạo đức cho thanh, thiếu niên (TTN) cần phải được thực hiện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, sự nỗ lực của chính gia đình các em, sự góp sức từ nhà trường, chung tay của xã hội góp phần giúp TTN hướng thiện, trở thành người có ích.


Nhờ những bức thư gửi về Hộp chia sẻ cảm xúc mà các thầy, cô của Trường THCS&THPT Hà Long hiểu được hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của học sinh để có hướng động viên, tư vấn kịp thời. Ảnh: Tỉnh đoàn

Vai trò của nhà trường

Những năm gần đây, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Long An kết hợp các trường THPT và THCS trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều chương trình rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh (HS).

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Long An - Nguyễn Kim Ngân, trung tâm thường xuyên phối hợp các đơn vị có nhu cầu tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục truyền thống cho TTN, chủ yếu là các trường THCS, THPT trong tỉnh cùng một số trường đại học tại TP.HCM. Trong đó, nổi bật là các chương trình: Học kỳ trong quân đội, Học làm người hiếu thảo,... Tất cả hoạt động này với nội dung phong phú, sôi nổi, được thay đổi thường xuyên để phù hợp tình hình từng đối tượng. Ngoài việc kết hợp các hoạt động vui chơi thì những chương trình này cũng góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho TTN.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) chia sẻ: “Với mong muốn các em trở thành con ngoan, trò giỏi, Đoàn trường duy trì tổ chức chương trình Học làm người hiếu thảo từ năm học 2012-2013 đến nay. Ban đầu, chương trình chủ yếu dành cho HS chưa ngoan, thường xuyên vi phạm nội quy nhà trường, có hạnh kiểm trung bình, yếu của 2 khối lớp 10 và 11. Nhưng những năm về sau thì tổ chức cho tất cả HS có nguyện vọng tham gia. Tuy nhiên, điều kiện về thời gian, phòng học, kinh phí,... hạn chế nên mỗi năm, Đoàn trường chỉ tổ chức được 1-2 lần. Lớp học đặc biệt này thu hút mỗi đợt khoảng 200 HS tham gia. Nội dung của chương trình này chủ yếu giáo dục các em về lòng hiếu thảo, công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ cùng các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống”.

Được trải nghiệm lớp học, chúng tôi cảm nhận không khí sôi nổi, sự hào hứng của các em khi tham gia các hoạt động ý nghĩa. Buổi học bắt đầu thật nhẹ nhàng và tự nhiên bằng những câu ca dao bình dị, những bài hát quen thuộc về công cha, nghĩa mẹ. Những câu chuyện hết sức gần gũi đan xen những hình ảnh cảm động khiến các em lắng lòng.

Cảm xúc cứ thế dâng trào bên những tiếng nấc nghẹn ngào để rồi vỡ òa thành những giọt nước mắt khi nhận ra lỗi lầm của mình trong những lần làm cha mẹ buồn lòng. Những lời phân tích, giảng giải của thầy, cô giúp các em hiểu được công ơn trời biển của cha mẹ và khao khát trở thành người con hiếu thảo.

Còn với Trường THCS&THPT Hà Long (TP.Tân An), đa phần HS có chất lượng đầu vào không cao, trong đó, nhiều em là HS chưa ngoan nên việc giáo dục, định hướng đạo đức, lối sống là vô cùng quan trọng. Bên cạnh sâu sát các em trong học tập, nhà trường chú trọng việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, vừa học, vừa chơi và rèn luyện kỹ năng sống.


Trường THCS & THPT Hà Long thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giúp các em tự lập, trưởng thành. Ảnh: Tỉnh đoàn

Bí thư Đoàn trường THCS&THPT Hà Long - Nguyễn Phước Tú cho biết: “Chương trình Hà Long - Vững bước tương lai được thực hiện từ năm học 2011-2012 đến nay nhận được những phản hồi tích cực cùng sự ủng hộ của rất nhiều phụ huynh. Hà Long - Vững bước tương lai được tổ chức tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) với các nội dung: Học nấu ăn, tham gia trò chơi tập thể, chia sẻ tâm tư, tình cảm với gia đình, bạn bè,... Dù mỗi năm mỗi khác nhưng chúng tôi luôn duy trì “Hộp chia sẻ cảm xúc” với những lá thư do chính các em viết. Nhiều em học không tốt môn Ngữ văn nhưng vì viết bằng cảm xúc của mình nên rất chân thật và xúc động. Qua đó, chúng tôi cũng hiểu được phần nào hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của mỗi em để có hướng động viên, tư vấn kịp thời. Sau nhiều năm thực hiện, hiệu quả rõ rệt nhất của chương trình chính là sự chuyển biến ý thức của các em trong học tập, lối sống, cách ứng xử, giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè và góp phần nâng cao nhận thức để tránh xa sự lôi kéo của bạn bè xấu, tệ nạn xã hội”.

Bên cạnh giáo dục đạo đức tại các trường học, một hoạt động cũng vô cùng thiết thực, thu hút đông đảo TTN tham gia là các “Khóa tu mùa hè” được tổ chức tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Long An: Chùa Long Phước (TP.Tân An), chùa Thiên Châu (TP.Tân An), chùa Vĩnh Hưng (huyện Châu Thành), chùa Giác Nguyên (huyện Cần Giuộc),...


Khóa tu mùa hè góp phần cùng tổ chức Đoàn, Hội, gia đình, nhà trường giáo dục, tác động nhận thức của thanh, thiếu niên.

Các khóa tu thường diễn ra từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7. Nhiều em ở nhà được nuông chiều từ nhỏ, ba mẹ khuyên răn vẫn không nghe, khi được sinh hoạt tập thể, rèn luyện, vui chơi, giáo dục nhân cách, nhận thức chuyển biến ít nhiều.

Hoạt động này góp phần cùng tổ chức Đoàn, Hội, gia đình, nhà trường giáo dục, tác động nhận thức của TTN, giúp các em trưởng thành, tránh xa những cạm bẫy trong cuộc sống.

Trưởng thành từ việc thay đổi nhận thức

Qua nhiều năm thực hiện, hoạt động Học làm người hiếu thảo khẳng định được ý nghĩa và tính nhân văn của chương trình, góp phần giúp các em có cái nhìn, suy nghĩ và hành động đúng đắn hơn, quyết tâm học tập trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Điển hình như em Nguyễn M.T. (SN 1997), ngụ xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, từng là HS của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ.

Trước đây, em thường vi phạm nội quy của nhà trường: Hút thuốc, đi học trễ, không thuộc bài,... Thậm chí, năm lớp 10, hạnh kiểm của M.T. là loại yếu, phải rèn luyện thêm trong hè. Sau khi tham gia chương trình Học làm người hiếu thảo, M.T. có tiến bộ rõ rệt về học lực lẫn hạnh kiểm. Hiện nay, em đang là sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM.

Bên cạnh đó, với kết quả ngoài mong đợi của chương trình, Đoàn trường THPT Nguyễn Hữu Thọ còn hỗ trợ Trường THCS Lương Bình (xã Lương Bình, huyện Bến Lức) và Trường THCS Nguyễn Văn Hiển (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) tổ chức cho trên 400 HS tham gia.

Dự kiến, hè năm 2016-2017, Đoàn trường tiếp tục thực hiện các chuyên đề về cách ứng xử của HS đối với bạn bè, thầy, cô, giáo dục các em về kỹ năng bảo vệ mình trước những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe bản thân.


Giáo dục kỹ năng sống, giúp các em tự lập và có “sức đề kháng” với các tiêu cực của xã hội. Ảnh: Tỉnh đoàn

Không rập khuôn, hình thức, các hoạt động rèn luyện đạo đức giúp nhiều HS cá biệt trở nên ngoan ngoãn, hòa đồng với bạn bè, chăm chỉ học tập, nhiều em còn đạt kết quả cao tại các kỳ thi cao đẳng, đại học. Điển hình như trường hợp em Nguyễn Cao Vy - sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM.

Vy chia sẻ: “Lúc ấy, em đang học ở một trường THPT tại TP.Tân An nhưng do học lực sa sút, lại bị áp lực điểm số từ gia đình, thầy, cô và sự trêu chọc của bạn bè, em sống thu mình, gần như buông xuôi vì mất căn bản, nhất là với môn Toán. Điểm trung bình học kỳ 1 môn Toán lúc ấy chỉ có 1,9. Hết học kỳ 1 năm lớp 12, em chuyển đến học tại Trường THCS&THPT Hà Long. Không chỉ được cô chủ nhiệm quan tâm, khuyên bảo, em còn được giáo viên môn Toán kèm cặp và được thầy phó hiệu trưởng động viên, tư vấn chọn trường. Em vượt qua giai đoạn khó khăn, gần như không còn hy vọng để vươn lên, nỗ lực học tập. Cuối năm, em thi đậu cả 3 trường: Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM”.

Học làm người hiếu thảoKhóa tu mùa hè là 2 chương trình tiêu biểu trong số rất nhiều hoạt động TTN trên địa bàn tỉnh. Đây là các chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cùng tổ chức Đoàn, Hội giáo dục, cảm hóa TTN chậm tiến và cần tiếp tục được triển khai, nhân rộng trong thời gian tới./.

Bài 1: Cầu nối cho thanh niên chậm tiến 

Cập Nhật 17-04-2017

Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Thanh niên có tiền án, tiền sự, sau khi chấp hành án phạt còn rất nhiều thời gian, cơ hội để làm lại cuộc đời.

(còn tiếp)

Ngọc Mận-Phạm Ngân

 Bài 3: Giáo dục thanh, thiếu niên chậm tiến - còn nhiều thách thức

Chia sẻ bài viết