Tiếng Việt | English

18/05/2017 - 10:54

Đau đầu vì rác thải

Bài 2: Rác thải nông nghiệp: Nguy hại nhưng chưa được xử lý

Ước tính trung bình sản xuất 1ha lúa, lượng rác thải từ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mà người dân sử dụng từ 1 đến trên 1,5kg/vụ thì với hơn 230.000ha sản xuất lúa của toàn tỉnh, mỗi năm, lượng rác thải này là con số rất lớn. Trong khi đó, việc thu gom, xử lý đối với loại rác thải nguy hại này mới được thực hiện rất hạn chế tại các địa phương. Từ đó, nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như phá hủy hệ sinh thái đang đặt ra những thách thức lớn cho mỗi địa phương.

Nguy hại từ chất thải nông nghiệp

Long An có diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 230.000ha, tập trung nhiều ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân thường có thói quen sử dụng nhiều loại thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng và không ít người lạm dụng thuốc BVTV.

Người dân vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật ngổn ngang sau mỗi mùa vụ

Từ việc sử dụng nhiều loại thuốc BVTV, mỗi năm, trên các cánh đồng của tỉnh, lượng bao bì, chai lọ không được thu gom, xử lý xả ra môi trường ước lên đến hàng trăm tấn. Sau mỗi mùa vụ, bao bì và chai lọ thuốc BVTV nằm ngổn ngang từ ruộng xuống mương, trôi ra các tuyến kênh, rạch.

Ông N.V.L - nông dân ấp Hưng Thành, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng khẳng định, lâu nay, nông dân vẫn có thói quen dùng xong các loại bao bì, hộp nhựa thuốc trừ sâu thì bỏ lại lung tung trên các cánh đồng, sau đó để chúng phân hủy tự nhiên chứ hiếm khi có người thu gom, xử lý.

“Vẫn biết như vậy là ô nhiễm, độc hại nhưng do không có hố chứa thu gom rác thải trên cánh đồng nên đành tiện đâu vứt đó” - ông L cho biết.

Còn bà L.T.M lo lắng: “Mỗi khi nông dân xả nước đồng loạt để sản xuất thì dòng nước dưới kênh rất dơ và các loại bao bì, vỏ chai thuốc nổi lềnh bềnh, ghe xuồng máy chạy bị vướng chân vịt. Hiện tại, ở địa phương cũng còn không ít hộ dân hàng ngày vẫn sử dụng nước từ các con kênh dùng sinh hoạt”.

Không riêng xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, chúng tôi đến các địa phương khác trong khu vực Đồng Tháp Mười, hầu hết nông dân sản xuất lúa và trồng hoa màu vẫn có thói quen vứt bừa bãi bao bì, vỏ chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng ngay ngoài đồng. Họa chăng, có người kỹ lưỡng hơn thì gom vào bao nylon nhưng cũng chỉ để một nơi cho gọn chứ chưa thu gom để xử lý. Và rồi, sau những vụ sản xuất, mưa gió và mùa nước lũ ngập đồng, các loại rác thải độc hại này lại tiếp tục bị cuốn trôi, lắng đọng trong môi trường tự nhiên.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ lo lắng: “Thói quen vứt bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV ngoài đồng của nông dân đang trở thành nỗi lo gây ô nhiễm môi trường trong đất, nước và về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính nông dân. Bình quân mỗi hécta lúa/vụ, nông dân xả thải ra môi trường 1-1,5kg bao bì, chai lọ đựng thuốc. Còn trồng hoa màu thì việc sử dụng thuốc BVTV gấp 2-3 lần trồng lúa.

Chỉ tính riêng tại huyện Tân Hưng, với diện tích lúa gieo sạ cả năm lên đến hơn 76.000ha thì lượng bao bì, vỏ chai thuốc lên đến gần 100 tấn! Chưa kể đến một lượng nhỏ thuốc còn sót lại trong các bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV sau khi sử dụng. Do đó, việc nông dân vứt bừa bãi rác thải ngoài đồng vô tình ảnh hưởng đến môi trường sống”.

Nhiều hộ gia đình vẫn phải sử dụng nguồn nước từ kênh, rạch trong sinh hoạt hàng ngày

Đó là chưa kể lượng rác, chất thải trong chăn nuôi, do nhu cầu phát triển kinh tế của người dân, việc mở rộng quy mô chuồng trại nhưng không thay đổi phương thức chăn nuôi, đa phần vẫn làm theo kiểu cũ. Phân và nước thải cùng thức ăn dư thừa của gia súc, gia cầm không qua xử lý cứ vô tư thải ra rãnh nước đường làng, kênh, mương. Gặp lúc trời mưa, chỗ nào thuận thì trôi đi, còn trời nắng thì bốc mùi hôi thối nồng nặc. 

Bà Hồ Thị Lùng, ngụ ấp Bàu Sen, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng cho biết: “Tuyến kênh Bệnh Viện dài hơn 3km, mỗi mùa vụ, các loại thuốc hóa học của hàng trăm hécta lúa cặp hai bên tuyến kênh này đều tuôn đổ xuống đây nhưng hơn 20 hộ dân sinh sống cặp tuyến kênh vẫn phải chấp nhận sử dụng nguồn nước này trong sinh hoạt hàng ngày,...”.

Đau đầu tìm giải pháp

Hiện nay, các xã đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, một trong những vấn đề khiến nhiều địa phương đau đầu đó là tiêu chí về môi trường. Mặc dù, nhiều địa phương triển khai dịch vụ thu gom rác thải đồng thời lắp đặt các bể chứa thu gom bao bì thuốc BVTV nhưng thực tế không đạt hiệu quả cao so với kỳ vọng, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngay tại các vùng nông thôn vẫn là vấn đề nhức nhối.

Được xây dựng, đưa vào sử dụng cách nay gần 4 năm nhưng đến nay, một hố thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp tại ấp Bàu Sen, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng chưa một lần được xử lý. Theo ghi nhận của chúng tôi, hố xử lý rác thải nông nghiệp này còn khá mới, bên trong hố, lượng rác thải được người dân ý thức mang về bỏ vào còn rất ít. Dù qua gần 4 năm nhưng lượng rác trong hố chưa đầy 1/3 thể tích. Trong khi đó, khu vực này với hàng trăm hécta lúa sản xuất 2 vụ/năm.

Một số hộ chăn nuôi chưa ý thức được việc xả thải trực tiếp ra môi trường

Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng - Bùi Văn Hiệu cho rằng, mặc dù xã lắp đặt một số bể chứa thu gom bao bì thuốc BVTV nhưng hiệu quả mang lại chưa cao do ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn thấp, vẫn còn thói quen vứt ngay tại ruộng nên việc thu gom gặp nhiều khó khăn.

Còn theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát trển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh, việc vứt bao bì, chai lọ thuốc BVTV không qua thu gom, xử lý ra môi trường không những ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, môi trường sống mà còn ảnh hưởng đến mạch nước ngầm tự nhiên. Và việc xử lý rác nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu là đốt cũng không đúng đối với rác thải nguy hại càng làm ảnh hưởng môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.

Minh chứng cho điều này, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen - Nguyễn Công Toại khẳng định, sau mỗi mùa khô, mặc dù thiếu nước cho hệ sinh thái của khu bảo tồn nhưng không bao giờ chúng tôi dám lấy nước vào đầu mùa nước nổi. Bởi lúc này, dư lượng thuốc BVTV tồn đọng trong nước vẫn còn cao, nếu lấy nước sớm, nguy cơ ảnh hưởng từ nguồn nước đến các hệ sinh thái đặc trưng của khu bảo tồn là rất lớn.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên và sức khỏe người dân là có, song việc tìm biện pháp xử lý đối với tình trạng này đang là vấn đề khó của các địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Huỳnh Thanh Hiền cho biết: “Cái khó trong việc xử lý rác thải nguy hại này là do chi phí quá cao. Nếu lượng rác thải bao bì, chai lọ thuốc BVTV của nông dân sử dụng một năm cả chục tấn thì cần đến nguồn kinh phí rất lớn, trong khi kinh phí của huyện thì không thể nào kham nổi. Do vậy, cần phải gắn trách nhiệm và chia sẻ đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV nhằm góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường”.

>>Xem thêm:

Bài 1: Rác sinh hoạt tràn lan ở nông thôn 

Cập Nhật 17-05-2017

Tình trạng rác sinh hoạt được người dân vứt bừa bãi ra môi trường đang là vấn đề nhức nhối, đau đầu của hầu hết địa phương trên địa bàn tỉnh Long An. Tại những cuộc tiếp xúc cử tri, người dân thường phản ánh thực trạng này.

Thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 2 năm 2015-2016, lượng rác thải từ thuốc BVTV được sở trực tiếp thu gom tại các địa phương về xử lý chỉ vỏn vẹn chưa đầy 20 tấn. Giải pháp để bảo vệ môi trường nông thôn hiện nay mà các hộ gia đình cần làm đó là nên có thùng chứa rác và tự phân loại rác, bỏ đúng nơi quy định để đội vệ sinh mang đi chôn lấp hoặc xử lý tập trung.

Nước thải và phân trong chăn nuôi cần được xử lý bằng cách xây hầm bioga, không thải trực tiếp nước, phân và chất thừa trong chăn nuôi thẳng ra môi trường. Trong sản xuất nông nghiệp, nên hạn chế sử dụng thuốc BVTV, hãy thu gom vỏ chai lọ, vỏ bao đựng đến nơi quy định để xử lý đúng quy trình đối với rác thải nguy hại.

"Và quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để người dân tự nhận thức, thay đổi tư duy. Đó mới là vấn đề cốt lõi!" - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường - Quách Cao Minh khẳng định.

Sử dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp rồi thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường là vấn đề đáng lưu tâm cho cả hiện tại và tương lai. Nếu không có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng này thì đến một lúc nào đó, tình trạng ô nhiễm môi trường từ chính các hoạt động của con người sẽ không còn là nguy cơ./.

(còn tiếp)
Trung Kiên - Kiên Định- Tấn Lộc

Bài 3: Rác thải công nghiệp: Phải tiếp tục xử lý nghiêm 

Chia sẻ bài viết