Tiếng Việt | English

21/04/2020 - 13:42

Chung sức, đồng lòng chống dịch Covid-19

Bài 2: Dùng mạng xã hội chống 'giặc' Covid-19

"Chống dịch như chống giặc". Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu cũng là lúc nước ta chính thức bước vào “thời chiến”. Thế trận lòng dân đã phát huy hiệu quả ngay từ những ngày đầu. Tại Long An, mọi người, mọi nhà một lòng đẩy lùi dịch bệnh.

Vẫn là tuyên truyền, nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hoạt động tuyên truyền cũng có nhiều thay đổi. Facebook, Zalo cũng trở thành công cụ. Người lớn tuổi cũng học để “hòa cùng dòng chảy”, chung tay khi xã hội cần.

Đoàn viên, thanh niên huyện Tân Hưng hướng dẫn người dân khai báo y tế trên điện thoại thông minh (Nguồn: Đoàn Thanh niên huyện Tân Hưng)

Tuyên truyền bằng facebook, zalo

Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, chị Nguyễn Thị Như Trúc (huyện Tân Hưng) dùng điện thoại đọc thông tin về dịch Covid-19. Thấy thông tin nào hữu ích từ những trang tin chính thống, kêu gọi người dân chung tay phòng dịch là chị lại nhanh tay chia sẻ hoặc biên tập lại thông tin cho ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu rồi đăng lại lên bản tin Zalo của mình. Từ tháng 3-2020 đến nay, khi dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp thì bản tin Zalo của chị Trúc hầu như chỉ có thông tin về dịch bệnh. Chị liên tục cập nhật bài viết kêu gọi người dân thực hiện đúng hướng dẫn về phòng dịch, thực hiện tốt cách ly. 

Trước đây, chị Trúc dùng Zalo như một nơi chia sẻ những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống. Thỉnh thoảng, chị sử dụng trang cá nhân để bán hàng, có thêm thu nhập. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 hoành hành, chị dừng hẳn những cập nhật về cuộc sống riêng, dành “đất” cho thông tin về dịch bệnh. Chị Trúc chia sẻ, với chị, đó là một cách giúp bạn bè, người thân tiếp cận với thông tin, cảnh giác và làm đúng theo hướng dẫn để tự bảo vệ mình. 

Khi mạng xã hội (MXH) trở nên phổ biến, hầu như ai cũng có cho mình một tài khoản cá nhân trên MXH. Chỉ cần một cú click, thông tin có thể lan truyền với tốc độ chóng mặt. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19, thông tin sai dễ gieo vào người dân sự hoang mang, lo sợ. Việc ngăn chặn tin giả, đưa tin đúng sự thật trên MXH củng cố sự tin tưởng của người dân trở nên cấp bách và cần thiết. Ngay lập tức, các tổ chức chính trị vào cuộc, tham gia định hướng và cung cấp thông tin chính xác cho người dân. Fanpage Tuổi trẻ Long An, Trang thông tin điện tử Đoàn TNCS HCM tỉnh Long An, nhóm Long An ngày mới do Tỉnh đoàn quản lý và các trang MXH của Đoàn, Hội, Đội các cấp đã có hàng ngàn bài viết tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, cung cấp thông tin chính thống về dịch Covid-19, góp phần ổn định dư luận xã hội. 

Riêng trang Tuổi trẻ Long An đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh thành tài liệu đồ họa thu hút sự quan tâm, chú ý của “cư dân mạng”. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn - Lê Thị Hồng Kết cho biết, dựa vào những lợi ích mà đồ họa mang tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xác định đây là sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn Thanh niên. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn còn kêu gọi đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà chia sẻ thông tin chính xác, hữu ích trên trang cá nhân nhằm tăng hiệu quả công tác tuyên truyền. 

Những ngày phòng dịch Covid-19 cũng là thời điểm điện thoại các chị em trong tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ reo liên tục. Tin nhắn trong nhóm Zalo liên tục dội về báo cáo hoạt động của hội địa phương, trưng cầu, đóng góp ý kiến, thông tin, đề xuất, chỉ đạo,… Chỉ cần 1 tin nhắn nhỏ trong nhóm, cả tổ chức hội trong tỉnh đều nhận được thông tin trong vòng vài giây. Thông tin và hình ảnh truyền đi liên tục tạo thành một làn sóng ngầm mạnh mẽ trong tổ chức hội, giúp chị em có thêm động lực động viên nhau cố gắng. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, cho biết, đây là lần đầu tiên chị làm việc thông qua nhóm Zalo trên toàn tỉnh và cảm thấy rất thuận lợi. Tham gia nhóm không chỉ thông tin được nhanh hơn mà chị còn học được nhiều mô hình hay từ các huyện bạn để nghiên cứu học hỏi tại xã mình, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. 

Fanpage Tuổi trẻ Long An sử dụng hình ảnh đồ họa tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19

Khai báo sức khỏe bằng thiết bị số

Ngoài 50 tuổi nên bà Nguyễn Thị Đầy (ấp Xuân Hòa 2, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) không biết nhiều về công nghệ. Có chiếc điện thoại thông minh, bà Đầy chủ yếu dùng vào việc nghe, gọi điện thoại và đọc tin tức trên Internet. Khi Chính phủ yêu cầu khai báo sức khỏe toàn dân, bà Đầy không biết cách làm, mãi tới khi được chị Hồ Thị Kim Ngân (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Vĩnh Đông) hỗ trợ, bà mới khai báo được. Chị Ngân kể: “Lớn tuổi rồi nên cô thao tác trên điện thoại hơi khó khăn, tôi tải sẵn app về cho cô, sau đó hướng dẫn cô khai báo lần đầu. Những cập nhật sau đơn giản hơn nên cô có thể tự làm”. Bằng cách “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Vĩnh Đông phối hợp các đoàn thể khác trong xã hỗ trợ trên 400 người dân khai báo y tế. 

Từ ngày 10/3/2020, Chính phủ kêu gọi khai báo y tế toàn dân thông qua app NCOVI. Tuy nhiên, số lượng người tham gia khai báo y tế vẫn còn hạn chế. Tính đến ngày 29-3, Long An xếp thứ 35 trong cả nước về số lượng người khai báo y tế với 8.568 người khai báo. Nhưng đến ngày 15-4, Long An xếp thứ 9 cả nước với số người khai báo tăng lên trên 300.000 người. Đó là nỗ lực, cũng là sự đồng thuận rất lớn của người dân trong công cuộc chống dịch. Những nông dân “chân lấm tay bùn”, những “nữ tướng gia đình” trước đây quen với việc ruộng đồng, bếp núc nay lại “bập bõm” học cài app và khai báo y tế mỗi ngày trên điện thoại thông minh. Đó thực sự là một nỗ lực rất lớn. 

Việc tiếp cận công nghệ thông tin với người lớn tuổi đã là một khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa lại càng khó khăn hơn. Bí thư Huyện đoàn Tân Hưng - Nguyễn Cao Đẳng kể: “Những cô chú lớn tuổi thường gặp khó khăn khi sử dụng điện thoại thông minh, các bước đăng nhập và điền thông tin khá dài nên nhiều người còn lúng túng. Một số người khác không nhớ rõ ngày, tháng sinh nên gặp khó khăn. Sau khi được Đoàn Thanh niên hướng dẫn, các cô chú cũng hoàn tất khai báo và tự cập nhật mỗi ngày được”. 

Tân Hưng từng là huyện có tỷ lệ người khai báo y tế thấp trong tỉnh. Tuy nhiên, sau một thời gian Đoàn Thanh niên nhận trách nhiệm vận động người dân khai báo y tế thì đã có sự thay đổi rõ nét. Tân Hưng liên tục là huyện dẫn đầu về khai báo y tế thời gian gần đây. Cũng với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nhiệt tình hỗ trợ, Tân Hưng đã có hơn 29.000 người khai báo y tế (chiếm trên 61% dân số). 

Theo anh Đẳng, khi người dân hiểu rõ về lợi ích khai báo y tế trong công cuộc phòng, chống dịch thì mọi người đều đồng tình. Anh Đẳng nói: “Việc vận động và hướng dẫn các bạn trẻ tương đối nhanh, dễ. Người lớn tuổi thì gặp một chút khó khăn, nhưng các cô chú rất hợp tác. Để kết quả khai báo chính xác, hiệu quả hơn, chúng tôi thuyết phục mọi người tìm và điền số thẻ bảo hiểm y tế (nếu có) vào phần thông tin. Hơi mất thời gian nhưng sẽ cho kết quả chính xác hơn, cung cấp được nhiều thông tin cần thiết hơn cho việc khai báo”. Với những gia đình không có điện thoại thông minh, Huyện đoàn Tân Hưng thực hiện thu thập thông tin, khai báo giúp và cử đoàn viên trở lại cập nhật sức khỏe người dân thường xuyên.

Trong thời đại ngày nay, Internet và MXH đã trở nên rất phổ biến. Đó là nguồn cung cấp thông tin vô tận nhưng lại không chọn lọc. Ứng dụng tốt MXH và Internet vào công tác tuyên truyền, định hướng và hỗ trợ phòng ngừa dịch bệnh là một điều hết sức đáng biểu dương./.

(còn tiếp)

Phương Phương

Chia sẻ bài viết