Tiếng Việt | English

13/01/2025 - 08:42

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc về định danh cá nhân trên không gian mạng

Từ ngày 25/12/2024, Nghị định (NĐ) số 147/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực. NĐ này mặc dù nhận được sự ủng hộ, đồng tình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và dư luận xã hội, nhưng các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tìm mọi các chống phá, xuyên tạc,...

Sau khi có NĐ số 147/NĐ-CP, trên trang mạng xã hội (MXH), các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tung ra nhiều thông tin xuyên tạc.

Chúng rêu rao rằng, việc Chính phủ ban hành NĐ số 147/NĐ-CP là “siết” quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Một số luận điệu tuyên truyền để người đọc hiểu sai lệch về NĐ số 147/NĐ-CP như việc định danh tài khoản MXH sẽ “bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận”, “chỉ có ở Việt Nam mới vẽ ra định danh cá nhân”, “chính quyền muốn luôn kiểm soát - phát ngôn của người dân”, “đàn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến”,...

Từ đó, một số bài viết xuyên tạc, quy kết là do “dưới chế độ cộng sản, viễn cảnh u ám bao trùm lên người dân”.

Nguy hiểm hơn, chúng còn kích động người dân “không chấp hành NĐ số 147/NĐ-CP”, “bất phục tùng chế độ”, “đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền”.

Mục đích của chúng là ngoài việc tẩy chay NĐ số 147/NĐ-CP còn bôi nhọ hệ thống pháp luật Việt Nam; cổ xúy cho tư tưởng, hành động sai trái; khuyến khích hành vi bất tuân quy định trên không gian mạng.

Thông qua MXH, chúng tìm mọi cách chỉ trích, tạo ra sự phân tâm, hoang mang dao động trong một bộ phận người dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Sâu xa hơn, chúng tạo ra cái nhìn méo mó về Việt Nam, đòi phủ nhận vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự quản lý xã hội của Nhà nước, hòng tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta.

Một thực trạng trên MXH mà hầu hết các nước trên thế giới phải đối mặt, chính là tội phạm trên không gian mạng. Tuy MXH là ảo nhưng các đối tượng xấu triệt để lợi dụng để phạm tội, gây tổn thất lớn mọi mặt đời sống xã hội.

Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động, đối tượng bất đồng chính kiến chống phá Việt Nam luôn triệt để lợi dụng MXH để chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.

Dù các nước phát triển hay đang phát triển, không phân biệt thể chế chính trị, trên không gian mạng vẫn luôn xuất hiện những bình luận gây tranh cãi mang tính ác ý và thù địch, những thông tin xuyên tạc, sai lệch dưới những tài khoản ẩn danh, tài khoản ảo.

Theo nghiên cứu của hãng bảo mật Kaspersky, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cứ 10 người đang dùng thì có 3 người sở hữu tài khoản MXH không sử dụng tên và ảnh thật, không có thông tin nhận dạng cá nhân.

Trong đó, MXH có lượng người dùng giấu danh tính nhiều nhất là Facebook (chiếm 70%), tiếp theo là YouTube, Instagram.

Thông qua khảo sát cũng chỉ ra thực tế, việc tính năng ẩn danh cho phép các cá nhân dễ dàng thực hiện những hành vi bất chính gây hại cho các tổ chức, cá nhân do người dùng cảm thấy ít phải chịu trách nhiệm hơn so với người phát ngôn đi quá giới hạn.

Riêng khu vực Đông Nam Á, với lượng người dùng MXH tương tác nhiều nhất thế giới cũng đang chứng kiến sự gia tăng của các vụ lừa đảo trên MXH và trang thương mại điện tử.

Trong đó tại Singapore, theo thống kê của cảnh sát, tổng số vụ lừa đảo đạt kỷ lục 46.563 vụ vào năm 2023, với tổng thiệt hại 486 triệu USD Mỹ.

Trước tình trạng trên, nhiều quốc gia trên thế giới đề ra các biện pháp siết chặt quản lý tài khoản MXH, từ giới hạn độ tuổi người sử dụng cho đến định danh người dùng.

Điển hình như vào tháng 11/2024, Úc thông qua luật cấm người dưới 16 tuổi sử dụng MXH vì lo ngại những tác hại đối với sức khỏe, thể chất và tinh thần trẻ em. Năm 2023, Pháp cũng đề xuất lệnh cấm sử dụng MXH đối với trẻ em dưới 15 tuổi.

Liên minh châu Âu có Luật quy định về bảo vệ dữ liệu (GDPR) quy định người dùng MXH có thể được nhận diện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đặc biệt qua công cụ nhận diện (Identifier) như tên, số chứng minh nhân dân, dữ liệu, vị trí, công cụ định danh trực tuyến (online Identifier) hoặc qua một hoặc những yếu tố đặc thù về danh tính thể chất, tâm lý, di truyền, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội của người đó.

Tại Trung Quốc, để có được tài khoản MXH, người dân phải đăng ký với cơ quan chức năng các nội dung: Tên thật, số chứng minh nhân dân, số điện thoại di động thật. Người dân không được sử dụng MXH nước ngoài mà chỉ được sử dụng MXH nội địa như Sina Weibo, Wechat, Tencent, QQ, Douyin,... thậm chí, nhiều tài khoản MXH còn liên kết với tài khoản ngân hàng của cá nhân đó để tạo mã quét QR, dùng cho thanh toán các chi phí trong cuộc sống. Người có tài khoản phải được định danh cụ thể và bảo vệ chặt chẽ tài khoản của mình.

Như vậy, việc định danh cá nhân công dân không chỉ riêng nước ta mà là xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới, với mục đích bảo vệ quyền con người trước tác động tiêu cực của MXH.

Ở Việt Nam, MXH phát triển nhanh chóng, trở thành nhu cầu không thể thiếu của nhiều người. Đến ngày 30/6/2024, Việt Nam có 76,5 triệu tài khoản Zalo, 72 triệu tài khoản Facebook, 63 triệu tài khoản TikTok và 67 triệu tài khoản YouTube.

Cùng với đó, MXH trở thành xu thế. Tuy nhiên, MXH cũng là “mãnh đất màu mỡ” cho nhiều kẻ xấu lợi dụng giả mạo tài khoản để ăn cắp thông tin, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hay đăng những nội dung không tốt ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, gây mất an ninh, an toàn, vi phạm trật tự, quản lý xã hội và pháp luật.

Chỉ tính từ tháng 3 đến 8/2024, các cơ quan chức năng vô hiệu hóa hơn 400.000 webiste, tài khoản MXH nghi vấn lừa đảo trực tuyến,...

Cùng với đó, các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước có xu hướng tăng trên các MXH. Nhiều tổ chức, cá nhân thù địch, định kiến với Việt Nam ở nước ngoài tìm mọi cách kích động, móc nối với các đối tượng bất mãn trong nước thông qua MXH để chống phá đất nước.

Như vậy, việc ban hành NĐ số 147/NĐ-CP tạo khung pháp lý quan trọng để yêu cầu các nền tảng MXH phối hợp hiệu quả với cơ quan chức năng; đồng thời, tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt nam.

Tuy nhiên, việc xác thực định danh cá nhân đối với người dùng MXH không có nghĩa là mọi người đều phải công khai họ tên thật trên MXH mà chỉ xác thực tính chính danh tài khoản, còn việc lấy tên nick gì là quyền của mỗi người.

Rõ ràng, NĐ số 147/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành nhằm bảo vệ quyền con người, ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng, gây hại cho tổ chức, cá nhân, lợi ích quốc gia - dân tộc, hoàn toàn không phải là “đàn áp, bóp nghẹt tự do ngôn luận” mà các thế lực thù địch, phản động rêu rao, xuyên tạc./.

Phản bác luận điệu xuyên tạc về tinh gọn bộ máy 

Thời gian qua, toàn bộ hệ thống chính trị ráo riết thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy công quyền theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết