Hiện nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km với sức gió giật cấp 8. Dự báo áp thấp nhiệt đới diễn biến phức tạp, có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển vào đất liền nước ta với sức gió giật cấp 11.
Ngay trong sáng nay, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ đạo để bàn phương án ứng phó với ATNĐ trên Biển Đông. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có cuộc họp với các thành viên Ban chỉ đạo để bàn phương án ứng phó với ATNĐ trên Biển Đông
Báo cáo tại cuộc họp, Cơ quan thường trực, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (thành viên ban chỉ đạo) cho biết, đến ngày hôm nay (02/7), Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 28.641 phương tiện với 103.267 người; 3.526 lồng bè, lều, chòi canh; 4.654 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Trong đó tàu, thuyền đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh là 7.886 tàu với 39.738 người. Tàu thuyền đang neo đậu tại các bến là 20.755 tàu với 63.529 người.
Có 3.526 lồng bè, lều, chòi canh với 4.654 người (Quảng Ninh có 2.502 lồng bè với 3. 417 người; Nam Định có 1.024 lều với 1. 237 người).
Còn theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, ngày 02/7 chưa tìm thấy 9 thuyền viên tàu NA95899 bị chìm hôm 28/6; tàu NA90999 bị gãy bánh lái, dự kiến sáng 02/7 sẽ lai dắt về cảng Lạch Quèn. Hiện còn 12 tàu cá hoạt động trong khu vực dự kiến ảnh hưởng và 6 tàu hoạt động gần khu vực ảnh hưởng của ATNĐ.
Áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa 190km và có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển theo hướng vào đất liền nước ta. (Ảnh: Nchmf)
Để chủ động ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh thêm thành bão và mưa lớn, dông lốc cực đoan có thể xảy ra do hoàn lưu của bão, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các địa phương từ Quảng Ngãi trở ra, các Bộ, ngành triển khai nghiêm túc Công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.
Đối với khu vực trên biển, ven bờ: Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ, bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ, bão, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch, các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo. Tùy theo diễn biến ATNĐ bão để chủ động cấm biển
Đối với khu vực đất liền, trên đảo: Theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ, bão và mưa, lũ; thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân và khách du lịch để chủ động phòng, tránh, nhất là tại các khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven biển, sông, suối và đặc biệt lũ quét, sạt lở đất các tỉnh miền núi; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men theo phương châm “4 tại chỗ ”.
Các thành viên Ban chỉ đạo báo cáo về tình hình, phương án ứng phó ATNĐ trên Biển Đông
Sau khi nghe các thành viên BCĐ báo cáo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, đối với áp thấp này, sóng không lớn nhưng mưa lớn, cho nên cần phải có phương án chủ động. Áp thấp đi chậm, nhưng chính việc di chuyển chậm sẽ tích lũy năng lượng để mạnh lên nên cần phải chủ động đề phòng.
Đặc biệt, cần tăng cường thông tin tới tất cả chính quyền, nhân dân khu vực, biển, hải đảo biết để phòng, tránh. Cố gắng không để tàu thuyền không nắm được thông tin. Những nơi trú tránh không an toàn thì phải di chuyển đến nơi an toàn.
Yêu cầu giám sát việc di chuyển người dân ở khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực có khách du lịch, không để người ở lại lồng bè khi áp tháp vào, không để du khách trên tàu, trên vịnh và đảo xa...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu, cần tăng cường thông tin tới tất cả chính quyền, nhân dân khu vực, biển, hải đảo biết để phòng, tránh. Cố gắng không để tàu thuyền không nắm được thông tin. Những nơi trú tránh không an toàn thì phải di chuyển đến nơi an toàn.
“Đề nghị tăng cường tối đa trong trực ban, theo dõi sát diễn biến thời tiết để có sự chỉ đạo, thông tin kịp thời đến các cơ quan thường trực, các địa phương để hướng dẫn, yêu cầu người dân. Công tác dự báo cần phải chính xác. Hướng đi của bão là không thay đổi rồi nên cần thông tin nhanh để có phương án ứng phó. Các địa phương kiểm tra kiểm soát lại toàn bộ khu neo đậu để tránh trường hợp bị thiệt hại ngay ở đó. Vừa rồi chúng tôi đi kiểm tra thấy nhiều âu thuyền không đảm bảo yêu cầu, như ở Bạch Long Vĩ. Các địa phương không được chủ quan để người dân ở lại lồng bè”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo.
Đối với khu vực trên đất liền, theo ông Hiệp, đêm mùng 3, rạng ngày sáng ngày 4/7 áp thấp đổ bộ vào, đây là thời điểm cuối tuần nên cần phải có cảnh báo đối với địa phương, khách du lịch, nhất là tại Quảng Ninh và Hải Phòng.
“Sau ATNĐ, mưa như dự báo sẽ chưa quá nguy hiểm cho sản xuất, nhưng nếu mưa trên 300 mm thì sẽ nguy hiểm, đối với các hồ chứa hiện nay đang sửa chữa quá nhiều nên cần phải quan tâm đặc biệt, có giải pháp kiểm tra ngay. Sau mưa thì sẽ xuất hiện lũ ống, lũ quét ở miền núi, như Sơn La, Lào Cai, Lai Châu...cần phải dự báo để đề phòng vì mưa lũ cực đoan rất khó kiểm soát. Cần dự báo sớm cho các địa phương, dự báo thời tiết, tình hình mưa lũ cần gửi vào email đến các huyện để địa phương chủ động phương án ứng phó. Việc dự báo sớm, cảnh báo sớm gửi đến các địa phương sẽ rất hiệu quả khi đã có sự chủ động”, ông Hiệp nói.
Đối với các địa phương vùng đồng bằng cần chủ động tiêu úng cho các tỉnh đồng bằng, đặc biệt là tỉnh Nam Định.
Bộ Ngoại giao chủ động liên hệ với các nước trong khu vực sẵn sàng có phương án hỗ trợ ngư dân nước ta phòng tránh./.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong 6 giờ vừa qua, áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển.
Hồi 7 giờ ngày 02/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm vùng áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 07 giờ ngày 03/7, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, ngay trên đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 108,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 04/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
|
Phi Long/VOV.VN