Tiếng Việt | English

05/04/2018 - 14:13

An toàn thực phẩm - người tiêu dùng cần thận trọng

Tiêu dùng thực phẩm là nhu cầu hàng ngày của mỗi gia đình. Trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay, người tiêu dùng cần thận trọng trong lựa chọn và chế biến thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe của chính mình và gia đình.

“Thực phẩm nhà làm” có đáng tin?

“Thực phẩm nhà làm” được giới thiệu qua mạng xã hội hiện, được khá nhiều bạn trẻ mua lẫn bán. Nhiều mặt hàng rao bán trên mạng xã hội như khô heo, khô gà lá chanh, chả cá, chả bò, chả lụa, chả gân, lạp xưởng, tôm khô,... được quảng cáo với hình ảnh bắt mắt và giá cả vừa túi tiền.

Khách hàng phổ biến của loại hình kinh doanh này là các bạn trẻ, những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội và thích mua đồ ăn nhanh, tiện lợi. Thế nhưng, “thực phẩm nhà làm” đang được các cơ quan chức năng cảnh báo không đáng tin cậy, bởi chưa được kiểm định về chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu đầu vào.

Chị Nguyễn Kim Ngân, ngụ xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An chia sẻ: “Mấy bữa trước, tôi tình cờ lướt một số trang mạng xã hội, thấy một trang cá nhân bán chả gân làm từ tai heo, nấm mèo,... rất bắt mắt. Tôi đặt mua 0,5kg với giá 80.000 đồng. Thấy thích thì mua dùng chứ hoàn toàn không biết chính xác thực phẩm đó sản xuất, chế biến như thế nào?”. Còn chị Nguyễn Thúy Phượng, ngụ phường 4, TP.Tân An, bức xúc: “Tôi đặt mua khô gà lá chanh qua một người quen trên mạng xã hội, khi nhận được hàng, mở ra dùng thì không như mong muốn. Màu của khô không giống như hình ảnh quảng cáo, chuyển sang sậm màu, còn mùi thì gắt dầu”.

Theo các chuyên gia về thực phẩm, trước vấn nạn thực phẩm bẩn, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua thực phẩm từ người quen, hay nói cách khác là “thực phẩm nhà làm” nhằm tránh thực phẩm có chất bảo quản, hương liệu hay hóa chất độc hại. Lợi dụng việc này, nhiều người lấy hàng của một số nơi rồi bán lại và đánh lừa người tiêu dùng. Chính vì thế, khi mua hàng, người tiêu dùng phải biết chính xác nguồn gốc của thực phẩm đó chứ không chỉ nghe qua quảng cáo, vì nếu gặp phải hàng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Một điểm bán thịt heo dưới vỉa hè tại chợ phường 1, TP.Tân An

Cần chọn nơi mua an toàn

Sau đợt heo hơi giảm giá từ năm 2017 đến nay, người chăn nuôi “tự cứu mình” bằng cách gia công giết mổ heo rồi đem đến nơi có đông người qua lại bán. Tại các chợ trên địa bàn TP.Tân An như chợ phường 2, chợ phường 1, hiện nay, xuất hiện nhiều nơi bán thịt heo trên lề đường, gần ngả ra vào chợ. Người bán chỉ cần trải tấm lót dưới nền vỉa hè rồi bày bán với lời rao thịt heo nhà làm và bảo đảm sạch với giá rẻ hơn tại các sạp thịt cố định trong chợ. Mặc dù chưa xác định được nguồn gốc, xuất xứ nhưng thịt heo được bán ở lề đường chắc chắn không bảo đảm vệ sinh, dễ nhiễm vi khuẩn Samonella gây bệnh về đường ruột cho người dùng. Ngoài thịt heo, thịt bò cũng được bán kiểu này tại các chợ.

Cuối năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản lấy 50 mẫu thịt kiểm tra vi sinh và chất tạo nạc trên thịt heo bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có 4/50 mẫu thịt nhiễm Samonella.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Phạm Văn Đấu khuyến cáo: Trước tình trạng thực phẩm bán tràn lan hiện nay, có không ít thực phẩm bẩn trà trộn, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng nên lựa chọn nơi mua thực phẩm an toàn, nói không với thực phẩm bẩn, tuyệt đối không mua thực phẩm khi chưa biết rõ nguồn gốc, xuất xứ./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết