Tiếng Việt | English

12/02/2019 - 15:22

An Ninh Đông: Nguy hiểm rình rập bên hầm đất

Mặc dù không còn khai thác nhưng nhiều hầm đất với độ sâu cả chục mét tại xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An luôn tiềm ẩn nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em khi không có rào chắn bảo vệ.

Những hầm đất khai thác sâu, không chừa chân dẫn đến sạt lở vào đất của người dân

Những nguy hiểm rình rập

Tháng 8/2018, cái chết của em Trần Hoàng Phúc (SN 2004, ngụ ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) khi đuối nước tại một hầm đất gần nhà tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh sau nhiều cái chết thương tâm liên quan đến hầm đất. Trước cái chết của em Phúc, tại huyện Đức Hòa cũng từng xảy ra nhiều vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của nhiều em nhỏ liên quan đến hầm đất. Đó phải kể đến vào năm 2012, cháu Nguyễn Trọng Nghĩa (xã Lộc Giang) cùng cha đi bắt cá, bị trượt chân té xuống hầm đất, ông Nguyễn Văn Hòa lao xuống cứu con nhưng cả 2 cha con đều bị đuối nước. Hay vụ việc 2 học sinh lớp 5 tử vong tại hầm đất thuộc công trình thủy lợi Phước Hòa ngày 06/01/2014 đều là những cái chết được báo trước liên quan đến những nguy hiểm rình rập bên các hầm đất không rào chắn.

Theo bà Trần Thị Riềng (ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông), tại ấp có rất nhiều hầm đất được khai thác với độ sâu lớn, tuy nhiên, đến nay hầu như đa số các hầm đất đã khai thác xong không có rào chắn bảo vệ hoặc cảnh báo nguy hiểm. Điều đáng nói, những hầm đất này nằm sát khu dân cư, có đông trẻ em. Trong khi các em nhỏ thấy hầm đất có nước trong, thích tắm mà không hay biết những nguy hiểm cận kề. Mặc dù gia đình vẫn thường xuyên nhắc nhở các em không được tới gần hầm đất, không tắm dưới hầm đất nhưng do con trẻ mê chơi, người lớn có lúc không kiểm soát được các em. Bà Trần Thị Riềng cho biết: “Chúng tôi từng kiến nghị, phản ánh rất nhiều lần nhưng các cơ quan chức năng, chủ hầm đất chưa có động thái kiểm tra, rào chắn các hầm đất đã khai thác để bảo vệ an toàn cho người dân, nhất là trẻ em”.

Còn ông M. (ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông) cho biết: “Hơn 10 hầm đất đã khai thác xong tại ấp đa phần không có rào chắn hoặc có thì cũng hư hỏng, không còn giá trị cảnh báo, bảo vệ. Trong khi đó, hầm đất lại nằm sát nhà dân. Có lần chính tôi thấy hơn chục em học sinh cấp 2 tới hầm đất, để xe trên bờ định rủ nhau xuống tắm. Tôi la mãi, mấy đứa nhỏ mới sợ, lấy xe ra về. Chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng có biện pháp yêu cầu các chủ hầm đất rào chắn nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. Có thể hôm nay con em người khác bị tai nạn do hầm đất nhưng biết đâu, mai đây lại là chính con em gia đình mình”.

Nhắc nhở nhưng chưa khắc phục

Theo chân ông M., chúng tôi được đưa đi một vòng đến hơn chục hầm đất đã khai thác cũng như đang khai thác trên địa bàn ấp An Hiệp. Tại những hầm đất đang được khai thác, không khó để thấy chúng được khai thác với độ sâu lên đến hơn chục mét. Các máy móc liên tục múc từng gầu đất ngập lút cần máy, có khu vực được khai thác với vách hầm đất gần như tạo thành phương thẳng đứng.

Theo ông M., cả ấp hiện có hơn 10 hầm đất khai thác xong và 3 hầm đất đang khai thác. Có lần, người dân thấy chủ hầm đất khai thác với độ sâu quá lớn liền phản ứng thì chủ hầm mới chịu dừng lại. Để minh chứng cho việc các hầm đất khai thác với độ sâu lớn, không chừa chân, ông M. dẫn chúng tôi đến một hầm đất giáp ranh khu nghĩa địa của một số hộ dân trong ấp. Ông M. cho biết: “Trước đây, hầm đất này được khai thác với độ sâu lớn, mé hầm được khai thác tận thu với phương thẳng đứng, sau vài năm hầm đất đã ăn sâu vào đất của người dân từ 5-7 mét. Mấy ngôi mả trước cách hầm đất gần chục mét nay đã sạt gần mép hầm đất và có vết nứt, không biết khi nào sẽ bị hầm đất "nuốt" trôi”. Cách khu vực không xa, một vết sạt lở vào đất của các hộ dân với chiều dài gần 100 mét và đang ngày càng ăn sâu vào đất của người dân. “Nếu không được rào chắn, những hầm đất sẽ là mối nguy hiểm thường trực đối với người dân trong xã. Tôi chỉ mong đừng để xảy ra vụ việc đau lòng thì lúc đó cơ quan chức năng, chủ hầm đất mới lo khắc phục” - ông M. cho biết thêm.

Những hầm đất không rào chắn ngay sát nhà các hộ dân tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất là đối với trẻ em

Trước những nguy hiểm bên các hầm đất không được rào chắn, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa - Hồ Tuấn Khanh cho biết, địa phương cũng nghe phản ánh từ người dân liên quan đến các hầm đất tại ấp An Hiệp thiếu rào chắn nguy hiểm đến an toàn của người dân. Về phía địa phương, sau khi tiếp nhận phản ánh đã nhiều lần liên hệ các chủ hầm để yêu cầu rào chắn lại đối với các hầm khai thác xong. Tuy nhiên, đến nay các chủ hầm vẫn chưa chịu khắc phục, lắp đặt rào chắn tại các hầm đất đã khai thác. Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông - Hồ Tuấn Khanh, đối với các hầm đất đã khai thác trên địa bàn xã, thường trong quá trình làm thủ tục đóng hầm, các chủ hầm đất có tiến hành rào chắn nhưng một số hầm chỉ rào chắn sơ sài hoặc qua thời gian, rào chắn hư hỏng và cũng có trường hợp người dân thiếu ý thức tháo rào chắn lấy cột bêtông về sử dụng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục mời các chủ hầm đất đến làm việc để yêu cầu khắc phục tình trạng hầm đất thiếu rào chắn nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân” - Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông - Hồ Tuấn Khanh cho biết./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết