Hiện toàn xã có 3.228 hộ với 11.768 nhân khẩu, trong đó có 28 hộ nghèo (chiếm 0,8%) và 48 hộ cận nghèo (chiếm 1,4%), giảm so với năm 2018 (34 hộ nghèo và 58 hộ cận nghèo). Giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở, dạy nghề, nguồn vốn sản xuất,...
Nhiều nông dân trên địa bàn xã An Lục Long vươn lên thoát nghèo nhờ cây thanh long
Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, xã An Lục Long tổ chức 15 lớp tập huấn, hội thảo về cách phòng trừ bệnh trên cây thanh long với 450 lượt nông dân dự; mở 2 lớp dạy nghề nông thôn về kỹ thuật trồng thanh long theo VietGAP với 56 học viên tham gia; hỗ trợ giới thiệu, giải quyết việc làm cho 265 lao động.
Địa phương đang thực hiện đề án trồng 300ha thanh long ứng dụng công nghệ cao gắn với thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Đến nay, có 517 hộ dân tham gia đề án với 323,04ha, trong đó có 2 mô hình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ gồm 1 mô hình 26ha với 43 nông dân tham gia, 1 mô hình 21ha với 38 nông dân tham gia. Ngoài ra, địa phương còn thành lập 1 hội quán thanh long Cầu Đôi với 31 thành viên.
Được biết, để công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm thực hiện hiệu quả, địa phương phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Châu Thành hỗ trợ người dân vay vốn trên 16 tỉ đồng. Nhìn chung, nguồn vốn luôn được phân bổ kịp thời giúp người dân phát triển sản xuất, qua đó góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen”.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Gia đình ông Trần Văn Nghe, ngụ ấp Chợ Ông Bái, xã An Lục Long, từng là một trong những hộ cận nghèo của xã nhưng nhờ sử dụng nguồn vốn vay hợp lý, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo. Ông Nghe cho biết: “Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, chỉ có 2 người trong độ tuổi lao động nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trước đây, gia đình có 0,5ha đất trồng lúa hiệu quả thấp nên đã chuyển sang trồng thanh long. Nhờ học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long từ những người có kinh nghiệm và được sự hỗ trợ vốn kịp thời của Nhà nước, giờ đây gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định”.
Bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn, địa phương còn quan tâm hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chị Trương Thị Mỹ Nương, ngụ ấp Cầu Đôi, tâm sự: “Gia đình tôi chủ yếu làm thuê, tôi rất vui và hạnh phúc khi được địa phương quan tâm xây dựng nhà tình thương. Hiện nay, gia đình tôi không còn sợ cảnh nhà dột mỗi khi mùa mưa đến. Từ khi có căn nhà mới, mọi người yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế”.
Địa phương luôn tích cực vận động mạnh thường quân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo
Nhìn chung, chính sách hỗ trợ về nhà ở đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo “an cư”, qua đó giúp họ yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Phó Chủ tịch UBND xã An Lục Long - Lê Thị Thu Vân thông tin, năm 2019, địa phương phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đối thoại với người dân về các chính sách, chế độ, qua đó, nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của người dân để có hướng giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên rà soát về tình hình nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo để có hướng xây dựng, sửa chữa. Từ đầu năm đến nay, địa phương xây tặng 5 căn nhà tình thương, 1 căn nhà Đại đoàn kết với tổng kinh phí 300 triệu đồng và thường xuyên phối hợp vận động tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
“Xã còn vài hộ thuộc diện già yếu, neo đơn, không có khả năng thoát nghèo. Vì vậy, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để chăm lo các hộ nghèo, cận nghèo, đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giúp những hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống” - bà Vân thông tin thêm./.
Bùi Tùng - Nguyễn Dung